Cần hiểu rõ về thị trường Trung Quốc

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:55, 27/11/2023

Nhiều thay đổi của thị trường khiến doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ hơn Trung Quốc là điểm đến tiềm năng nhưng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Bức tranh xuất khẩu thủy sản có xu hướng tích cực

Tính đến hết tháng 10.2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 7,43 tỉ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo nhóm sản phẩm chính, xuất khẩu tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, cá ngừ, mực bạch tuộc, cua, ghẹ đều giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, phân tích theo từng loài, có thể nhận thấy xu hướng tích cực của nhiều mặt hàng thủy sản trong năm nay.

xuat-khau-thuy-san.png
Tại một chợ ở Trung Quốc - Ảnh: NPR.org

Trong khi xuất khẩu tôm chân trắng giảm 24%, tôm sú giảm 22%, thì xuất khẩu tôm hùm xanh tăng trưởng 21% với 103 triệu USD, chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. Sản phẩm này vẫn đang có nhu cầu lớn tại Trung Quốc, nhất là vào dịp cuối năm, phục vụ cho phân khúc nhà hàng, khách sạn đang hồi phục mạnh tại nước này. Ngoài ra, tép khô (ruốc khô) cũng có đơn hàng tăng từ nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Úc... Theo đó, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu sản phẩm này tăng 20% so với cùng kỳ, đạt trên 17,4 triệu USD.

Xuất khẩu cá tra mặc dù giảm 29% so với cùng kỳ, chủ yếu vì sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh giảm 33%, nhưng vẫn có một số sản phẩm từ cá tra đang được ưa chuộng tại các thị trường. Điển hình là sản phẩm bong bóng cá tra khô đã mang lại trị giá hơn 72 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều thị trường tăng mạnh nhập khẩu bong bóng cá tra của Việt Nam, trong đó Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 80% với trị giá hơn 57 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường khác như Thái Lan, Hongkong, Đài Loan, Mỹ cũng tăng mạnh nhu cầu sản phẩm này. Ngoài ra, sản phẩm chả cá tra, cá tra xông khói, cá tra cắt miếng tẩm bột chiên cũng có doanh số xuất khẩu tăng từ 50 - 300% so với năm ngoái.

Một số loài cá biển thuộc dòng sản phẩm được nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để gia công, xuất khẩu, gồm cá minh thái, cá tuyết, cá cam có kết quả xuất khẩu cao hơn so với năm trước, thể hiện sự đa dạng hoạt động và nguồn nguyên liệu của các công ty chế biến thủy sản, tận dụng sự chuyển dịch hoạt động gia công chế biến thủy sản từ Trung Quốc sang các nước khác. Theo đó, xuất khẩu cá tuyết tăng 30%, cá cam tăng 50%... Nhiều loài cá khác có doanh số xuất khẩu tăng mạnh như cá thu tăng 19%, cá bơn tăng 40%, cá hố tăng 95%, cá ba thú tăng 244%, cá đuối tăng 32%...

Đối với thị trường Trung Quốc, xu hướng khả quan hơn sau khi dịch COVID-19 chấm dứt, giao thương trở lại bình thường. Nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm thủy sản đa dạng hơn, phục vụ cho các phân khúc thị trường khác nhau. Thị trường này cũng xuất hiện các xu hướng khác so với những năm qua. Ví dụ như sự bùng nổ thị trường lẩu hải sản, món cá tra nấu dưa trở nên phổ biến; nhu cầu thủy sản bền vững tăng vọt... Nhiều thay đổi của thị trường này khiến doanh nghiệp cần nhìn nhận lại Trung Quốc là điểm đến tiềm năng nhưng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Nhìn chung, các thị trường đang hồi phục khá chậm. Do vậy, xuất khẩu thủy sản chưa thế bứt phá trong những tháng tới. Tháng 10 thường là tháng cao điểm nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản vẫn thấp hơn 9% so với cùng kỳ, đạt 825 triệu USD, thấp hơn so với mức đỉnh của năm là 859 triệu USD vào tháng 8. Với diễn biến này, hết năm 2023, xuất khẩu thủy sản có thể về đích với con số khoảng 9 tỉ USD, giảm 21% so với năm 2022.

Trung Quốc đòi hỏi khắt khe hơn

Hiện nay, nuôi hải sản đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống cũng phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, cụ thể làm giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng nêu ra một số vấn đề của nuôi trên biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị giá tăng lớn.

Riêng với tôm hùm, Thứ trưởng Tiến cũng đề cập đến các yêu cầu sắp tới của Trung Quốc về con giống và đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.

Ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cho biết việc sử dụng thức ăn hỗn hợp còn khá ít, hiện nay nuôi biển chủ yếu là thức ăn tươi sống, điều kiện sản xuất, chất lượng thức ăn còn hạn chế. Đối với tôm hùm, ông Khôi cho biết trị giá kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

tom-hum.jpg
Tôm hùm liên tục tăng giá

Nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm liên tục tăng giá, có thời điểm tăng gấp đôi, lên mức 1,7 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/kg với tôm hùm xanh. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các quốc gia tăng, nhất là tại thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa để phòng chống COVID-19.

Ông Phan Quang Minh - Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết biện pháp quản lý tôm hùm được Trung Quốc thay đổi năm 2023, định nghĩa tôm hùm nuôi là phải bắt nguồn từ con giống F2. Hằng năm, các địa phương đều tham mưu cho Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng chống và điều trị bệnh cho tôm hùm, ngao, nghêu và thủy sản nuôi biển. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao về sản lượng nên người nuôi đã không tuân thủ các quy định, hướng dẫn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ Việt Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi biển. Trong kế hoạch, từ nay đến 2030, chúng ta phấn đấu đạt sản lượng 1,45 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức (đã nhận diện được) thì những tiềm năng, lợi thế đó sẽ không thể phát huy hết được.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh...

Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức vươn ra tất cả các thị trường trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, nhất là với thị trường lớn, khó tính như Trung Quốc.

Cần tái cấu trúc ngành thủy sản

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết Việt Nam là quốc gia ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế thủy sản. Đến năm 2022, ngành thủy sản đã đạt sản lượng trên 9 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đat 3,8 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 thế giới, đạt 11 tỉ USD trong năm 2022; tạo việc làm cho trên 4 triệu người, đóng góp 25% GDP ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, thống kê số tàu cá hiện nay Việt Nam có khoảng 86.820 chiếc, 83 cảng cá, 56 khu neo đậu tránh trú bão, 7.500 cơ sở nuôi biển.

Theo ông Luân, ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát, suy thoái về môi trường và hệ sinh thái, rào cản kỹ thuật gia tăng từ các thị trường xuất khẩu...

xk-thuy-san.jpeg
Ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn - Ảnh: VGP

Trong thời gian tới, để phát triển ngành thủy sản bền vững, theo ông Luân, phải cấu trúc lại ngành thủy sản, chuyển từ khai thác thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân; giúp người dân tìm sinh kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản và có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản.

Ngành thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lại sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác rất ít được quan tâm, hoạt động rời rạc. Vì vậy, ông Luân cho rằng các địa phương phải cần quan tâm nhiều hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư, chống khai thác IUU cũng là một trong những nội dung để phát triển thủy sản bền vững, đặc biệt là đối với ngành khai thác thủy sản. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần tái cấu trúc ngành thủy sản, tăng nuôi biển, giảm khai thác, giảm áp lực lên nguồn lợi, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai đồng quản lý trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động thị trường rất phức tạp hiện nay. Ông Hùng cho biết những thách thức lớn hiện nay ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng của Việt Nam là nguồn lợi thủy sản suy giảm, chất lượng khai thác suy giảm đặc biệt đối với các loài cá có giá trị kinh tế; số lượng tàu cá lớn; nghề cá quy mô nhỏ, ven bờ chiếm số lượng lớn...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết nguồn lợi thủy sản đang có sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này chính là tác động của con người, do đó cần phải tái cấu trúc ngành hàng thủy sản một cách mạnh mẽ, đồng thời có phương án để bà con ngư dân vào một quỹ đạo chung và xây dựng đề án chuyển đổi sinh kế cho người dân trong vùng không cho phép khai thác.

Tuyết Nhung