Nhiều nước điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:05, 28/11/2023
Nhiều nước điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam
Có rất nhiều thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) điều tra biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, có thể kể đến như Australia hay Malaysia...
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 8,76 tỉ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch giảm chủ yếu ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ nội thất...
Nhập khẩu từ các thị trường CPTPP khu vực Châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng có mức giảm tương tự 15%, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng máy móc, phân bón, sắt, thép, nguyên phụ liệu.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, các quốc gia CPTPP nói chung ngày càng có xu hướng quan tâm và tích cực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước xu hướng toàn cầu hóa thương mại mạnh mẽ.
Số lượng các vụ việc điều tra của các nước thành viên CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021 có sự gia tăng so với giai đoạn trước đó, cho thấy mức độ chủ động và năng lực điều tra phòng vệ thương mại của các thành viên CPTPP đang ngày càng nâng cao.
Số vụ việc mà các đối tác trong CPTPP khởi xướng điều tra với Việt Nam chiếm trên 20% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng bởi các nước thành viên WTO đối với Việt Nam cho đến nay.
So với 3 biện pháp phòng vệ thương mại cơ bản (tự vệ toàn cầu, chống bán phá giá và chống trợ cấp), các thành viên CPTPP đã đàm phán bổ sung 2 biện pháp phòng vệ thương mại nữa là: Biện pháp tự vệ trực tiếp và biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may. Như vậy, CPTPP có tất cả 5 biện pháp phòng vệ thương mại giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất của nước sở tại có căn cứ để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia nội khối.
Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương) ngày 28.11 cho biết, đối với những nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và CPTPP nói riêng, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại tăng một cách nhanh chóng. Lý do là khi DN có được lợi thế, có động lực tăng trưởng từ CPTPP nói riêng và FTA nói chung thì sẽ nâng cao giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang rất nhiều thị trường mới.
"Do hàng hóa của chúng ta được ưa chuộng và có tính cạnh tranh cao nên tạo nên sức ép đối với ngành sản xuất nội địa của những nước nhập khẩu. Từ đó, ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu mong muốn rằng chính phủ của nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại, phổ biến nhất là các biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Ngoài những nước lần đầu tiên của FTA với Việt Nam như Canada hay Chile và Peru thì đã có rất nhiều thành viên CPTPP điều tra biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, có thể kể đến như Australia hay Malaysia", ông Phùng Gia Đức chia sẻ.
Ví dụ với ngành nhôm, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam nhận định, nhìn chung nhận thức của DN ngành nhôm đến thời điểm hiện tại không đồng đều về rủi ro phòng vệ thương mại. Khi DN xuất khẩu chủ yếu quan tâm đến nhu cầu của thị trường, mức thuế xuất nhập khẩu và về giá cả của hàng hóa mà rất ít quan tâm đến việc rủi ro phòng vệ thương mại.
Theo đó, ông Vũ Văn Phụ cho rằng, bên cạnh tận dụng các ưu đãi về thuế quan của các FTA thì DN khi xuất khẩu cần tìm hiểu về tập quán của thị trường xuất khẩu, xem ở thị trường đó có thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hay không. Đồng thời, xây dựng cho DN một chiến lược về xuất khẩu như đa dạng thị trường, hàng hóa sản phẩm. Hiệp hội Nhôm Việt Nam liên tục khuyến cáo các DN cần phải chủ động khi bị điều tra, đặc biệt là chuẩn bị kỹ càng hồ sơ dữ liệu DN.
Đại diện hiệp hội cũng đề nghị Bộ Công Thương, đặc biệt là Cục Phòng vệ thương mại duy trì tốt Trung tâm cảnh báo sớm để cung cấp thông tin cho các DN. Thông tin đến sớm là thông tin rất có giá trị và quý báu với DN khi bị điều tra về phòng vệ thương mại.
Thêm nữa, hiệp hội rất cần hỗ trợ từ các Vụ thị trường Châu Mỹ - Châu Âu, các tham tán thương mại tại các thị trường CPTPP để kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại cho các DN và chia sẻ thông tin cho các DN, ngành hàng để DN có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó khi bị điều tra về phòng vệ thương mại.
Nhận thức được vấn đề thay đổi về thương mại quốc tế và sự tăng trưởng của thương mại Việt Nam khi DN xuất khẩu nhiều ra nước ngoài, ông Phùng Gia Đức cho biết Bộ Công Thương đã có những đề án chuyên sâu về phòng vệ thương mại, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để thành lập những đề án trong rất nhiều năm với cái nhìn dài hạn nhằm phổ cập những kiến thức chung về phòng vệ thương mại. Những năm tới, Bộ Công Thương sẽ giới hạn các nhóm đối tượng và sẽ thực hiện những buổi đào tạo nâng cao nhận thức một cách chuyên sâu hơn để các DN, hiệp hội DN không có đủ nguồn lực tự nghiên cứu sẽ có cơ hội tham gia.
Bộ Công Thương cũng đề cao việc thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật hiện nay. Trong đó có một xu hướng trong hai năm trở lại đây đã nổi lên, đó là xu hướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là một biện pháp mở rộng để đảm bảo rằng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại gốc được duy trì và ổn định và Việt Nam cũng là một trong các đối tượng, một trong những nước bị kiện rất nhiều.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức đối thoại về phòng vệ thương mại với cơ quan điều tra nước ngoài. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ DN Việt Nam nhưng cũng kiên quyết phòng trừ với DN lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua việc nhập khẩu hoặc lẩn tránh xuất xứ bất hợp pháp.
Về phía DN, ông Đức khuyến nghị các DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến thông tin, cảnh báo sớm về nguy cơ để giúp DN tránh được những rủi ro bị điều tra hoặc hạn chế tối đa tác động của việc bị điều tra phòng vệ thương mại. Qua đó tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn, tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP trong bối cảnh mới.