Bông sen vàng 2023: Bỏ sót nhiều phim hay
Điện ảnh - âm nhạc - Ngày đăng : 22:54, 28/11/2023
Theo dõi những giải thưởng điện ảnh quốc nội của các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Hồng Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc... ta đều thấy họ lập danh sách đề cử và công bố danh sách này trước lễ trao giải một thời gian dài (thông thường khoảng một, hai tháng). Nhưng ở Việt Nam, hai giải Bông sen vàng và Cánh diều vàng luôn để đến tận đêm trao giải mới công bố các đề cử một cách chớp nhoáng vài giây ngay trước khi xướng tên người đoạt giải.
Cách làm này tồn tại bao lâu nay. Với giải Bông sen vàng là hơn nửa thế kỷ (từ kỳ LHP Việt Nam đầu tiên năm 1970). Với giải Cánh diều vàng là tròn hai thập kỷ (từ mùa Cánh diều vàng đầu tiên năm 2003). Cách tổ chức này không như thông lệ của các giải thưởng điện ảnh quốc nội trên thế giới. Và cũng chính cách tổ chức ấy khiến khán giả không thể kịp nhớ (hoặc không thể nhớ lâu) những người được đề cử. Vì thế, sức lan tỏa của các đề cử và giải thưởng cũng giảm đi rất nhiều.
Bỏ lỡ nhiều bộ phim hay(?)
Theo quy định, phim đủ điều kiện tranh Bông sen vàng là những tác phẩm được hoàn thành trong khoảng thời gian từ thời điểm tổ chức LHP trở về sau. Thế nhưng khi nhìn vào danh sách các phim tranh giải năm nay sẽ thấy thiếu vắng nhiều tác phẩm được đánh giá tích cực về mặt chất lượng nội dung cũng như sức hút với khán giả ngoài thực tế.
Cụ thể tại LHP Việt Nam 23, BTC đã công bố 16 phim tranh giải Bông sen vàng 2023 gồm: 578: Phát đạn của kẻ điên; 9; Cô gái từ quá khứ; Con Nhót mót chồng; Đào, phở và piano; Đất rừng phương Nam; Em và Trịnh; Fanti; Hoa nhài; Hồng Hà nữ sĩ; Kẻ ẩn danh; Mẹ ơi, Bướm đây; Mười: Lời nguyền trở lại; Người vợ cuối cùng; Nhà bà Nữ; Tro tàn rực rỡ.
Trong số này, sự vắng mặt đáng tiếc nhất là bộ phim Bên trong vỏ kén vàng (kịch bản và đạo diễn Phạm Thiên Ân) - tác phẩm đã mang vinh quang về cho Việt Nam hồi tháng 5 năm nay khi giành giải Camera vàng danh giá dành cho phim đầu tay tại LHP Cannes. Một tác phẩm đủ điều kiện dự thi mà không xuất hiện là Đêm tối rực rỡ (kịch bản Nhã Uyên, đạo diễn Aaron Toronto) - bộ phim từng thắng lớn với 4 giải tại Cánh diều vàng 2022 và 4 giải tại LHP châu Á - Đà Nẵng tháng 5.2023.
Thành phố ngủ gật (kịch bản và đạo diễn Lương Đình Dũng) - bộ phim độc lập kinh phí siêu thấp mà mở ra nhiều hiện thực cuộc sống lạ lẫm và khai phá những cảm nhận mới mẻ vừa công chiếu hồi tháng 10.2023 cũng không có tên trong danh sách tranh giải Bông sen vàng kỳ này.
Ngoài ra, cũng có thể kể đến Bẫy ngọt ngào (kịch bản Trần Nguyễn, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư) - bộ phim đầu tay gặt doanh thu ấn tượng 83 tỉ đồng, đồng thời cũng được dư luận khen về chất lượng và Lật mặt 6 (kịch bản và đạo diễn Lý Hải) - một phim giải trí hấp dẫn khác, thắng doanh thu gần 300 tỉ đồng và ít nhiều được dư luận đánh giá là có chiều sâu.
Tất cả những bộ phim nói trên đều không xuất hiện trong hạng mục phim Toàn cảnh, do đó nhiều khả năng các đơn vị sở hữu bản quyền phim đã không gửi chúng tham gia LHP Việt Nam 23.
Tuy nhiên, ngay trong danh sách phim gửi tham dự LHP, điều đáng nói là thiếu vắng hai tác phẩm tốt đã được chiếu ở hạng mục Toàn cảnh. Đó là Memento Mori: Đất (kịch bản và đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ) - bộ phim Việt tranh giải tại LHP Busan năm 2022 và dành giải NETPAC tại hạng mục Phim Việt Nam trong khuôn khổ LHP châu Á - Đà Nẵng hồi tháng 5.2023. Đó là Tiểu đội hoa hồng (kịch bản Phạm Hoài Thương, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết) - bộ phim nhẹ nhàng, dung dị của Điện ảnh Quân đội Nhân dân về đề tài ngưới lính trong thời bình.
Cần phải thay đổi cách tổ chức cho những LHP phim tiếp theo
Việc vắng mặt những bộ phim có chất lượng của điện ảnh Việt Nam trong cuộc đua Bông sen vàng vừa qua gây tiếc nuối cho giới mộ điệu, vừa không đảm bảo mục tiêu "tổng kết" một giai đoạn phát triển của điện ảnh nước nhà. Vì vậy, có lẽ cần thay đổi quy định kêu gọi các đơn vị sản xuất hay giữ bản quyền phim gửi tác phẩm đến dự thi.
Nếu nhìn giải Bông sen vàng như một giải thưởng tổng kết một chu kỳ hai năm của nền điện ảnh Việt, nên chăng các nhà tổ chức LHP Việt Nam nên chủ động rà soát tất cả các tác phẩm ra mắt trong giai đoạn đó và lập bảng đề cử những tác phẩm và thành phần nổi bật. Chỉ như thế mới đánh giá toàn diện được bộ mặt của ngành, và không bỏ sót tác phẩm vì những lý do bất khả kháng như trường hợp một số nhà sản xuất đã không gửi tác phẩm đến dự thi.
Lịch sử điện ảnh Việt Nam cho thấy, hai giải thưởng lớn nhất là Bông sen vàng (2 năm/lần) và Cánh diều vàng (1 năm/lần) vẫn tiếp tục duy trì cách tổ chức khác xa với các giải thưởng điện ảnh trên thế giới.
Bông sen vàng và Cánh diều vàng - bản chất là những giải thưởng điện ảnh quốc nội. Giống như Quả cầu vàng của Mỹ, Bafta của Anh quốc, Cesar của Pháp, Kim mã - Kim tượng - Kim kê của điện ảnh Hoa ngữ hay Baeksang, Rồng xanh, Chuông vàng của điện ảnh Hàn Quốc. Đó là các giải thưởng để đánh giá, ghi nhận lại những bộ phim đã được công chiếu trong năm của điện ảnh trong nước.
Các giải thưởng nêu trên khác với những giải thưởng của liên hoan phim quốc tế như Cannes, Venice, Berlin, Toronto, Roterdam, Busan, Tokyo, Thượng Hải... nơi trình chiếu và tôn vinh các bộ phim mới ra mắt của nhiều nền điện ảnh khắp thế giới gửi về dự giải.
Ở Việt Nam, nếu HANIFF (LHP quốc tế Hà Nội) hay DANAFF (LHP châu Á - Đà Nẵng) và sắp tới là HIFF (LHP quốc tế TP.HCM) có thể theo hình thức tổ chức chấm giải của các LHP. Theo đó, ban tổ chức sẽ kêu gọi, tuyển chọn phim gửi đến rồi mời một ban giám khảo từ 7 - 9 người tập trung xem trong vài ngày để chấm giải.
Trong khi đó, Cánh diều vàng và Bông sen vàng đáng lẽ phải theo mô típ của các giải thưởng điện ảnh quốc nội trên thế giới. Tức là, phải dựa trên toàn bộ tác phẩm đã ra mắt trong năm để đánh giá, chọn lọc ra các bảng đề cử thành phần xuất sắc ở từng hạng mục: Phim, Đạo diễn, Kịch bản, Quay phim, Diễn viên... Rồi từ đó mới bỏ phiếu chọn ra người chiến thắng ở từng hạng mục. Nhưng không, Bông sen vàng và Cánh diều vàng bao lâu nay vẫn làm theo cách đầu tiên - cách tổ chức chấm giải của những LHP quốc tế.
Điều này dẫn đến tình trạng, hai giải thưởng bỏ qua cơ hội tổng kết toàn bộ thành tựu của phim ảnh trong năm. Báo chí và công chúng không có được bức tranh toàn cảnh thông qua bảng đề cử với những nét tô đậm vào các tác phẩm, tác giả nổi bật của phim Việt. Thay vào đó, công chúng chỉ thấy một bức tranh nhạt màu bao gồm 16 cái tên phim chung chung dàn hàng ngang không có điểm nhấn.
Nên chăng, đã đến lúc thay đổi cách thức tổ chức chấm giải của cả Bông sen vàng và Cánh diều vàng.