Xoay chuyển tình hình Biển Đông: Ở một nơi chứa đầy truyền thuyết và thần thoại

Văn hóa - Ngày đăng : 10:50, 29/11/2023

Các nhà khoa học biển của Việt Nam như TS Chu Mạnh Trinh, TS Nguyễn Chu Hồi và TS Võ Sĩ Tuấn hoàn toàn đồng ý rằng quản lý đại dương là nguồn sống thiết yếu cho tương lai của quốc gia và khu vực.
Văn hóa

Xoay chuyển tình hình Biển Đông: Ở một nơi chứa đầy truyền thuyết và thần thoại

Hạ Vĩ 29/11/2023 10:50

Các nhà khoa học biển của Việt Nam như TS Chu Mạnh Trinh, TS Nguyễn Chu Hồi và TS Võ Sĩ Tuấn hoàn toàn đồng ý rằng quản lý đại dương là nguồn sống thiết yếu cho tương lai của quốc gia và khu vực.

Cù Lao Chàm, mô hình du lịch sinh thái xuất sắc

Đường bờ biển hình chữ S của Việt Nam trải dài 3.200km, chưa tính các đảo, với tổng chiều dài bờ biển có các rạn san hô là 1.270km. Diện tích san hô trong toàn bộ Biển Đông là 30.000km2 và mang lại sinh kế cho hàng trăm ngàn ngư dân.

Từ năm 2010, Việt Nam đã bắt tay triển khai một sáng kiến đầy tham vọng nhằm tạo ra các “khu bảo tồn biển quốc gia”. Kết quả là cả nước hiện có tám khu vực như vậy với kế hoạch thành lập thêm tám khu nữa trong tương lai gần. Mục tiêu của phong trào môi trường do nhà nước dẫn dắt này là tạo ra sự thay đổi về tư duy của giới trẻ Việt Nam và mối quan hệ giữa họ với biển.

Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam – từ chỗ là một trong năm quốc gia nghèo nhất thế giới năm 1985 thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới – đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường: các dòng sông chết vì ô nhiễm công nghiệp, suy giảm đa dạng sinh học và vấn đề ngày càng nghiêm trọng về chất lượng không khí không chỉ ở TP.HCM mà còn ở Hà Nội. Kết quả là ngày càng có nhiều người trẻ được truyền cảm hứng từ mạng xã hội và thành lập các tổ chức như “Be the Change Agents” để vận động sự ủng hộ dành cho các nỗ lực làm sạch môi trường.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có hơn 277 loài san hô, 270 loài cá sống trong rạn san hô, 4 loài tôm hùm và 97 loài nhuyễn thể. Dù đa dạng sinh học biển nơi đây không sánh bằng hệ thống rạn san hô Great Barrier hay quần thể Tam giác San hô ở Biển Đông, nhưng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giờ đây đã được công nhận là mô hình du lịch sinh thái xuất sắc, không có các vấn đề ô nhiễm điển hình hoặc có liên quan đến ô nhiễm như: nạn khai thác tận diệt gia tăng; nước thải không được xử lý; san hô bị thu hoạch để
sử dụng trong xây dựng, phục vụ thủy cung hoặc để mua bán; du khách có hành vi thiếu ý tứ và chung chung hơn là dân số trên đảo gia tăng.

xoay-chuyen-tinh-hinh-bien-dong-quote-2a.jpg

“Bảo vệ hệ sinh thái, chia sẻ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng hóa sinh kế là chìa khóa để tăng cường sức mạnh cho cộng đồng Cù Lao Chàm”, ông Trinh nói khi chúng tôi dừng lại ở bảo tàng trên đảo để xem các hiện vật đang được trưng bày của làng.

Trong thời gian lưu lại trên đảo, ở homestay của chị Nguyễn Thị Vân, tôi luôn thức dậy lúc 6 giờ sáng vì những chiếc loa được lắp trên các cột điện khắp xã sáng nào cũng phát tin tức báo hiệu sự bắt đầu của một ngày mới. Người dân nhận được tin tức từ các lãnh đạo của xã. Đó là những dự báo thời tiết hằng ngày vô cùng quan trọng cũng như thông tin quán triệt về thực hiện các mục tiêu bảo tồn và bền vững nói chung, chẳng hạn như “không sử dụng đồ nhựa trên đảo” hay “giữ cho đường làng ngõ xóm sạch sẽ”.

Mô hình bảo vệ biển này cung cấp bằng chứng khoa học để khuyến khích ngay cả Trung Quốc suy nghĩ lại về chiến lược ngoại giao của họ và từ bỏ định hướng trước đây là “phát triển kinh tế trước, xử lý ô nhiễm sau”. Trên thực tế, nhiều nhà quan sát tin rằng đây là thời điểm tuyệt vời để các bên cùng chia sẻ cảm giác cấp bách liên quan đến những nhu cầu không suy giảm đối với tài nguyên biển và tình trạng tàn phá rạn san hô.

Có lẽ, sự chú ý mới của Việt Nam đối với công tác bảo tồn, tính bền vững và luật pháp về môi trường có thể sẽ thành công trong việc thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi chiến lược ngoại giao môi trường khác trước.

Những câu chuyện về biển

Cư dân trên đảo chưa bao giờ ngừng tôn vinh văn hóa, lịch sử và những câu chuyện của họ. Một số câu chuyện đầy màu sắc của họ có thể dễ dàng được nhận ra ngay, giống như chúng ta có thể nhìn thấy loài cá vẹt nghiến răng xé những mảnh nhỏ từ rạn san hô. Những ngư dân khác cần có thời gian tâm tình thì mới biết được những câu chuyện về biển của họ.

Có một sự trùng hợp kỳ lạ là chỉ vài tuần trước khi đến Cù Lao Chàm, tôi đã đến rạp chiếu phim Cineplex hiện đại ở Hà Nội để xem phim In the Heart of the Sea (Biển sâu dậy sóng) của đạo diễn Ron Howard, được chuyển thể từ quyển sách cùng tên của Nathaniel Philbrick về con cá nhà táng cỡ “Moby Dick” đã phá hủy tàu săn cá voi Essex vào năm 1820. Và bây giờ tôi đang ở trên hòn đảo thiên đường này, lắng nghe ngư dân địa phương kể nhiều câu chuyện về những con cá voi hiền hậu.

Từng chứng kiến việc cá voi bị săn bắt cũng như mắc cạn, Biển Đông là nơi sinh sống của hơn 1/3 số cá voi ở biển, tất cả đều có tên trong Phụ lục của Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – CITES).

Dữ liệu có được gần đây dựa trên hiểu biết của ngư dân địa phương về sinh thái đã bổ sung bằng chứng cho thấy một phần hoặc toàn bộ Biển Đông là khu vực cư trú quan trọng của các loài động vật có vú thủy sinh với sự đa dạng loài ở mức cao, xứng đáng được quan tâm bảo tồn đặc biệt, nhưng trước giờ lại bị xem nhẹ. Đó chính là lý do tôi nói chuyện với những ngư dân này về các loài động vật có vú ở biển.

Những ngư dân cực kỳ tin vào những câu chuyện thần thoại về cá voi, loài vật đã bảo vệ ngư dân và tổ tiên của họ qua nhiều thế hệ. Trong quyển sách Whale Worship in Vietnam (tạm dịch: Tín ngưỡng thờ cá voi ở Việt Nam), học giả Sandra Lantz cho biết khi phát hiện cá voi chết ở biển, ngư dân sẽ kéo con vật vào bờ và đảm bảo nó được chôn cất đàng hoàng. Nghi lễ hay tín ngưỡng này được gọi là “tục thờ cá Ông”.

Người dân ở Cù Lao Chàm cũng như ở các địa phương khác tổ chức những nghi lễ đặc biệt này không chỉ dành cho cá voi, mà còn cho cá heo và cá heo chuột vì chúng đều thuộc Bộ Cá voi.

Có gần 20 loài động vật có vú thủy sinh khác nhau được tìm thấy ở Biển Đông và ven biển Việt Nam, chẳng hạn như: cá voi lưng gù, cá nhà táng nhỏ, cá nhà táng lùn, cá heo răng nhám, cá heo lưng gù Ấn Độ Dương, cá heo mũi chai Ấn Độ Dương, cá heo đốm nhiệt đới, cá heo quay, cá heo sọc, cá heo thông thường, cá voi đầu dưa, cá voi sát thủ lùn, cá voi hoa tiêu vây ngắn, cá heo sông Irrawaddy, cá heo không vây và bò biển.

xoay-chuyen-tinh-hinh-bien-dong-3a.jpg

Thật không may, nghề săn bắt cá voi vẫn tồn tại, và kết quả là cá voi có nguy cơ bị tuyệt chủng. Điều này đặc biệt đúng đối với cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương, loài hiếm nhất trên thế giới với số lượng chỉ còn khoảng 500 cá thể. Khi trưởng thành, chúng có chiều dài lên tới 15 mét và có thể nặng 70 tấn.

Bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá voi thương mại của Ủy ban Cá voi Quốc tế (International Whaling Commission – IWC) năm 1986, một số quốc gia vẫn không chấm dứt hoạt động săn bắt cá voi. Nhật Bản là một trong những quốc gia vi phạm nghiêm trọng nhất. Ở Bắc Thái Bình Dương, các tàu săn cá voi của Nhật Bản giết tới 200 con cá voi Minke, 50 con cá voi Bryde, 100 con cá voi Sei và ít nhất 10 con cá nhà táng, trên danh nghĩa nghiên cứu khoa học đầy nghi vấn.

Những con số trên thật sự đáng kinh ngạc. Cá voi đã tồn tại hơn 50 triệu năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (Natural Resources Defense Council – NRDC), các nhà khoa học ước tính có hơn 650.000 cá thể động vật có vú thủy sinh đã bị giết hoặc bị thương nặng do hoạt động đánh bắt cá ở nước ngoài sau khi bị mắc câu, bị vướng hoặc kẹt trong ngư cụ.

Những hành động vô nhân đạo này đưa chúng ta trở lại với Cù Lao Chàm, nơi các loài động vật có vú ở biển được bảo vệ và thờ cúng. Người Việt Nam có một số từ để diễn tả đức tin như “tin” và “tín ngưỡng”. Điều rõ ràng là tất cả cư dân trên đảo đều thể hiện lòng kính trọng sâu sắc đối với cá voi. Dường như trong tính cách dân tộc Việt Nam, nước – hay đúng hơn là Biển Đông – là thứ thiêng liêng và là một phần trong nhận thức về tự nhiên của họ.

Điều này được phản ánh trong truyền thống đi biển có lịch sử lâu đời của người dân nước này. Điều này cũng lý giải tại sao cuộc sống gắn liền với biển cả của tổ tiên họ lại chứa đầy truyền thuyết và thần thoại.

Hạ Vĩ