Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có 2 môn bắt buộc
Giáo dục - Ngày đăng : 17:01, 29/11/2023
Ngày 29.11, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp 4 môn (2+2) gồm 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn do học sinh tự chọn.
4 môn thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025
Thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dự kiến 4 môn. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Như vậy, số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi hoàn toàn được chuẩn bị trước theo năng lực học tập của các em. Đây chính là hướng đi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 lựa chọn học sinh theo phẩm chất, năng lực.
Giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Ở cấp THPT, học sinh được phân hóa theo năng khiếu, định hướng nghề nghiệp bằng hình thức tự chọn với nhiều tổ hợp.
Ngoài 8 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp), học sinh được chọn thêm 4 môn trong số các môn (Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc).
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới đòi hỏi học sinh phải biết khả năng, năng lực, năng khiếu, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai của mình để chọn các môn học và thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Vì vậy, công tác giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, tư vấn tâm lý cho học sinh ở cấp THCS, THPT ngày càng quan trọng, bao gồm hướng học, hướng nghiệp và giải quyết các vấn đề khó khăn của mỗi học sinh.
Thực tế cho thấy có gần 40% thí sinh dự thi tốt nghiệp với mục đích xét tốt nghiệp, do đó, các môn như Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học… cần thiết cho những học sinh tham gia học nghề hay trực tiếp lao động sau khi học THPT.
Học sinh sẽ nắm chắc các môn
Theo nhiều giáo viên giảng dạy lớp 12, với phương án 2+2 và có các môn tự chọn thì học sinh sẽ nắm vững toàn bộ nội dung cơ bản của các môn học. Từ đó các em sẽ có khả năng phân tích, tư duy, suy luận chứ không cần học thuộc theo cách truyền thống nữa.
Cô Nguyễn Tú Anh (Trường THPT Đào Duy Từ, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng với phương án thi 2+2 mới, các em sẽ buộc phải học đều các môn cũng như xác định mục tiêu ngành nghề của mình ngay khi bước chân vào môi trường THPT. Nhiều học sinh đã tập trung học thêm, phát triển năng lực học ngoại ngữ của mình bằng cách theo học ở các trung tâm, tự giao tiếp với người nước ngoài qua nhiều hình thức khác nhau.
"Theo tôi đánh giá, thời gian gần đây rất nhiều học sinh đã học đều các môn chứ không tập trung vào các môn chuyên của mình nữa. Thực tế này đã được chứng minh bằng điểm số của các em ở kỳ thi tại trường hay kỳ thi THPT qua các năm. Thậm chí nhiều học sinh đã tự đăng ký học tổ hợp môn, tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tổ chức. Các em đã linh hoạt, vận dụng các kiến thức cơ bản để hoàn thành việc học tập của mình. Bên cạnh việc bồi đắp các kiến thức thì các em cũng chịu khó xem những chương trình xã hội để có thêm kiến thức xã hội cho bản thân, nâng cao sự hiểu biết của mình để có thể áp dụng vào kỳ thi một cách tốt nhất. Về phương án thi tốt nghiệp 2+2 từ năm 2025, tôi cho rằng công tác tuyên truyền, định hướng cho học sinh từ các thầy cô là rất quan trọng. Các thầy cô nên để học sinh hiểu hơn về việc học đều các môn thì các em có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận việc làm. Lúc đó giáo viên cần kiểm tra, đánh giá để biết năng lực thật sự của học sinh để tư vấn, lựa chọn ngành nghề phù hợp" - cô Tú Anh trao đổi.