Cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu cảm thấy không an toàn vì tâm lý thù ghét gia tăng
Quốc tế - Ngày đăng : 07:15, 30/11/2023
Cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu cảm thấy không an toàn vì tâm lý thù ghét gia tăng
Hãng tin Reuters ghi nhận tâm lý thù ghét người Hồi giáo ngày càng gia tăng tại châu Âu sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.
Nghị sĩ Đức gốc Syria Jian Omar cảm thấy không được cảnh sát bảo vệ sau khi nhận phải tờ rơi mang nội dung thù ghét trộn lẫn với thủy tinh cùng phân, bị ném vỡ cửa kính và bị một đối tượng cầm búa tấn công từ đầu tháng 10 đến nay. Ba vụ việc xảy đến với chính trị gia này phản ánh rõ tâm lý thù ghét mà cộng đồng Hồi giáo ở lục địa già đang hứng chịu.
“Tôi thực sự thấy đơn độc, nếu một chính trị gia dân cử không được bảo vệ thì người khác sẽ thấy thế nào?”, nghị sĩ Omar bày tỏ nỗi bức xúc. Cảnh sát nói rằng họ đang điều tra nhưng không thể tăng cường an ninh tại nơi ông ở.
Theo nghị sĩ Omar, nếu một chính trị gia người Đức da trắng bị người tị nạn tấn công thì cảnh sát chắc chắn sẽ hành động mạnh tay hơn. Phía cảnh sát chưa đưa ra bình luận gì.
Reuters cho biết tội ác liên quan đến thù ghét tại châu Âu đã tăng mạnh sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Số vụ nhắm vào người Do Thái tăng vọt ở Anh, Pháp, Đức. Trong khi đó, số vụ nhắm vào người Hồi giáo cũng tăng đáng kể nhưng ít hơn.
Hội đồng Hồi giáo Anh Zara Mohammed nhận xét ngôn từ mà chính phủ đảo quốc sương mù sử dụng - chẳng hạn như gọi các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine là “tuần hành thù ghét” - kích động “chiến tranh văn hóa” và gây chia rẽ nhiều cộng đồng.
Cộng đồng Hồi giáo châu Âu càng thêm lo lắng khi tuần trước đảng cực hữu của chính trị gia Geert Wilders giành thắng lợi bầu cử tại Hà Lan. Ông Wilders từng tuyên bố sẽ cấm tất cả trường học truyền bá đạo Hồi, cấm đền thờ Hồi giáo cùng kinh Koran nếu lên nắm quyền.
Nguồn tin của Reuters cho biết cuối tháng 10 vừa qua, đền thờ Ibn Ben Badis ở Paris (Pháp) nhận phải thư đe dọa phóng hỏa. Vụ việc khiến tín đồ cảm thấy sợ hãi khi đến đây cầu nguyện buổi sáng. Người đứng đầu đền thờ Rachid Abdouni nói rằng yêu cầu tăng cường an ninh không được cảnh sát địa phương đáp ứng với lý do thiếu nguồn lực.
Không thống kê đầy đủ
Theo nhóm vận động Tell Mama, trong vòng một tháng từ sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, tại Anh có hơn 700 vụ việc kỳ thị người Hồi giáo như đốt phá, chửi bới, phá hoại, bỏ đầu lợn trước đền thờ được báo cáo. Nhóm chỉ báo lại cho cảnh sát nếu nạn nhân đồng ý làm vậy.
Phó chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Pháp Abdallah Zekri cho biết từ ngày 7.10 đến 1.11 họ nhận đến 42 thư đe dọa hoặc lăng mạ nhưng chưa trình báo bất cứ trường hợp nào.
“Đại đa số người Hồi giáo không nộp đơn khiếu nại khi là nạn nhân của những hành vi như vậy. Họ không muốn phải dành từ 2 tiếng đồng hồ trở lên ở đồn cảnh sát chỉ để khiếu nại mà cuối cùng sẽ bị bác bỏ”, theo ông Zekri.
Bà Rima Hanano (tổ chức phi chính phủ Claim) cho biết ở Đức cũng vậy. Cảnh sát thường không ghi chú rõ tội ác bài Hồi giáo, chẳng hạn hành vi tấn công đền thờ đôi khi chỉ được ghi nhận là tội gây thiệt hại tài sản.
“Trường hợp bị ảnh hưởng bởi nạn phân biệt chủng tộc như người Hồi giáo và người được cho theo đạo Hồi thường ngại đến gặp chính quyền vì họ sợ bản thân là nạn nhân ít được quan tâm đến, không ai tin thậm chí bị coi là thủ phạm”, theo bà Hanano.