Dấu ấn gần 7 thập kỷ của 'bậc thầy' ngoại giao Henry Kissinger

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 13:53, 30/11/2023

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã sống một cuộc đời phi thường khi trở thành người có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ trong gần bảy thập kỷ.
Chân dung và đối thoại

Dấu ấn gần 7 thập kỷ của 'bậc thầy' ngoại giao Henry Kissinger

Theo TTXVN 30/11/2023 13:53

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã sống một cuộc đời phi thường khi trở thành người có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Mỹ trong gần bảy thập kỷ.

9011-henry.png
Ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger tại Nhà Trắng năm 1971 - Ảnh: Getty Images

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của tổ chức Kissinger Associates cho biết ông Henry Kissinger, một trong những nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất thế kỷ 20, đã qua đời ngày 29.11, thọ 100 tuổi.

Sau khi rời chính phủ vào năm 1977, ông Kissinger - người từng giữ chức ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia dưới thời hai đời tổng thống, là Tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Gerald Ford - vẫn đóng góp tiếng nói nổi bật về các vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ mãi sau này.

“Tôi làm việc khoảng 15 giờ mỗi ngày”, cựu Ngoại trưởng nói với đài truyền hình CBS News vài tuần trước khi bước sang tuổi 100, và tự tin khẳng định các nhà lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ trả lời nếu như ông gọi đến.

Chia sẻ trên tạp chí Foreign Policy, ông Stephen M. Walt - Giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc trường Harvard Kennedy cho rằng ông Kissinger đã sống “một cuộc đời phi thường”. Sau một thế kỷ, những người ngưỡng mộ ca ngợi ông là nhà tư tưởng chiến lược vĩ đại nhất mà Mỹ từng sinh ra.

Cựu quan chức cấp cao nổi tiếng với chính sách nhất quán “realpolitik” (chính trị hiện thực) - ngoại giao với thế giới dựa trên các mục tiêu thực tế hơn là lý tưởng đạo đức.

Ông sinh ra ở Đức vào ngày 27.5.1923, tên thật là Heinz Alfred Kissinger. Chưa đầy ba tháng trước sự kiện Kristallnacht (Đêm kính vỡ) nhằm vào người Do Thái vào năm 1938, gia đình của ông chạy trốn khỏi Đức Quốc xã và định cư tại thành phố New York, nơi ông đổi tên thành Henry.

Sau năm đầu tiên tại trường trung học George Washington, ông tham gia các lớp học ban đêm khi ban ngày phải làm việc trong một nhà máy sản xuất bàn chải cạo râu. Sau khi tốt nghiệp, ông đăng ký học ngành kế toán tại trường Cao đẳng Thành phố New York. Tuy nhiên, ông gia nhập quân đội ngay sau sinh nhật thứ 19.

ngoaitruong2.png
Henry Kissinger được bổ nhiệm về đại đội G, Trung đoàn Bộ binh 335, Sư đoàn 84 ở Louisiana

Kissinger trở về quê hương với tư cách là thông dịch viên tiếng Đức trong lực lượng Bộ binh Mỹ. Ông cũng tham gia bắt giữ các thành viên tình báo Gestapo và giúp giải phóng các tù nhân khỏi trại tập trung Ahlem.

Theo cuốn tiểu sử về Kissinger do nhà văn Isaacson chấp bút, khi trở về Mỹ sau chiến tranh, ông Kissinger đăng ký học tại Harvard. Tại đây, bài luận án của ông về "ý nghĩa của lịch sử" đã trở thành huyền thoại. Với gần 400 trang, nó dài hơn bất kỳ luận án đại học nào trước đây và được cho là đã đưa ra "tiêu chuẩn Kissinger" giới hạn độ dài đối với luận văn của sinh viên trong tương lai.

Trong những năm tiếp theo, ông Kissinger hoàn thành bằng tiến sĩ tại Harvard và ở lại giảng dạy. Năm 1957, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Ban Chính phủ và Trung tâm Quan hệ Quốc tế của Harvard. Ông cũng là nhà tư vấn cho một số cơ quan chính phủ, bao gồm cả Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thành tựu đóng góp trong quan hệ quốc tế

Năm 1968, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Nixon chọn Kissinger làm Cố vấn An ninh quốc gia và trong nhiệm kỳ thứ hai đã bổ nhiệm ông làm Ngoại trưởng. Kissinger là người đầu tiên đảm nhiệm cả hai vai trò cùng lúc và giữ cả hai chức danh trong chính quyền Tổng thống Ford sau khi người tiền nhiệm Nixon từ chức.

Lối tiếp cận Liên Xô và Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Kissinger được nhiều người coi là tái định hình hướng đi của Chiến tranh Lạnh. Ông đã đàm phán các cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược và Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo với Liên Xô, làm giảm căng thẳng giữa hai siêu cường hạt nhân. Ông Kissinger đã dàn xếp cho cuộc viếng thăm của Tổng thống Nixon tới Liên Xô vào năm 1972. Trong cuộc gặp lịch sử này, Hiệp ước SALT I, Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và các hiệp định cơ bản khác đã được ký kết.

ngoaitruong3.png
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Điện Kremlin ở Moskva, Nga, vào năm 2017 - Ảnh: Sputnik

Ông cũng là người mở đầu các cuộc đàm phán qua kênh liên lạc ngầm giữa Mỹ và Trung Quốc vào đầu những năm 1970, dẫn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước và chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Ford, Ngoại trưởng Kissinger cùng với Bắc Kinh đã thống nhất một bộ khung hành động chiến lược trong quan hệ Trung - Mỹ. Cho đến nay, quan hệ cá nhân giữa ông Kissinger với Trung Quốc đều rất tốt. Quan hệ Trung - Mỹ trở thành thành tựu ngoại giao quan trọng nhất của ông Kissinger.

ngoaitruong8.png
Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai - Ảnh: Global Times

Chiến lược “ngoại giao con thoi” của ông cũng giúp ngăn chặn cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1973.

Cùng năm, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Kissinger được trao giải Nobel Hòa Bình, cùng với cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ của Việt Nam vì những đóng góp cho cuộc đàm phán chấm dứt sự can dự của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Tháng 2.1973, ông Kissinger đến Hà Nội để thảo luận về vấn đề quan hệ hai nước sau chiến tranh.

ngoaitruong5.png
Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger ngày 10.2.1973 - Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, trong suốt sự nghiệp làm chính trị, ông Kissinger đã bị chỉ trích gay gắt đối với các quan điểm mà ông cho là có lợi cho Mỹ, bao gồm cả việc ủng hộ cuộc đảo chính quân sự của nhà độc tài Augusto Pinochet ở Chile hay gửi vũ khí cho nhà độc tài Pakistan.

Sau khi rời chính phủ vào năm 1977, cựu Ngoại trưởng Kissinger tiếp tục trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới chính sách đối ngoại. Ngay cả khi đã ở tuổi cuối thập niên 90, ông vẫn tiếp tục đề cập đến sự kiện toàn cầu, tư vấn cho các khách hàng doanh nghiệp và tư vấn riêng cho các tổng thống Mỹ.

Trong năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi “tài năng to lớn” của ông Kissinger tại cuộc họp ở Nhà Trắng.

ngoaitruong6.png
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban POW/MIA Thượng viện Mỹ ở Washington, DC ngày 22.9.1992 - Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2023, cựu Ngoại trưởng Kissinger cũng đưa ra những dự báo về hai cuộc xung đột lớn nhất hiện nay trên thế giới. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS News ngày 7/5, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể đang tiến gần đến “một bước ngoặt” và các cuộc đàm phán hòa bình do Trung Quốc làm trung gian có thể bắt đầu vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, ông cảnh báo xung đột ở Trung Đông giữa Israel và Hamas có nguy cơ leo thang, khiến các quốc gia Arab khác phải chịu áp lực từ công chúng của chính mình. Cựu cố vấn an ninh quốc gia chỉ ra những bài học rút ra từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, trong đó một liên minh Arab do Ai Cập và Syria tấn công Israel.

ngoaitruong7.png
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được trao giải thưởng cho những đóng góp của ông trong công tác ngoại giao, tại Washington, DC, ngày 9.6.2016 - Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày ông Kissinger mất, cựu Tổng thống George W. Bush đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc: “Nước Mỹ đã mất đi một trong những người có tiếng nói đặc biệt và đáng tin cậy nhất về các vấn đề đối ngoại. Ông ấy đã làm việc dưới hai đời tổng thống và còn tư vấn cho nhiều nhà lãnh đạo khác nữa. Chúng tôi sẽ luôn biết ơn những đóng góp của Henry Kissinger”.

Theo TTXVN