Phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:05, 30/11/2023
Phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng
Ngày 30.11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Khu vực 4 (HV HCM KV 4) phối hợp với Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào, cho biết, tỉnh Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 35%. Hiện nay, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo đảm ổn định. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt trên nhiều lĩnh vực. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình, dự án, chính sách có liên quan được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung, hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh: “Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có 15.139 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,54% và 26.442 hộ cận nghèo, chiếm 7,87%. Trong đó, trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Khmer là 1.121 hộ nghèo, chiếm 7,1% và hộ cận nghèo là 10.158 hội, chiếm hơn 9%. Ước đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2% trong đó đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Khmer giảm 3%. Qua hội thảo giúp các đại biểu nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn về những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung và ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng”.
Theo GS-TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc HV HCM KV 4, thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và địa phương, trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội và việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số mô hình sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả chưa cao; thu nhập bình quân đầu người của người dân tộc thiểu số vẫn còn thấp; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao... Những hạn chế, bất cập này rất cần phải tiếp tục có những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng.
GS-TS Lê Văn Lợi đề nghị các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý ở địa phương tập trung nghiên cứu, thảo luận làm rõ, sâu sắc về những vấn đề lý luận, thực tiễn, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và một số vấn đề đang đặt ra trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng.
GS-TS Lê Văn Lợi, nhấn mạnh: “Có thể khẳng định, việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của không chỉ ở Sóc Trăng, mà còn đối với cả các địa phương khác ở Việt Nam. Cụ thể như thế nào để trên cơ sở đó tỉnh Sóc Trăng tiếp tục vận dụng vào thực tiễn để tiếp tục thúc đẩy công tác này hơn nữa. Bên cạnh đó, những vấn đề khác có tính lý thuyết về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vai trò của các thiết chế và chủ thể trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số; các yếu tố tác động đến việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được quan tâm, thảo luận kỹ”.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ nhiều tham luận xung quanh nội dung hướng tới “Phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay”, như: Đội ngũ cán bộ, công chức là người đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng hiện nay, thực trạng vấn đề đặt ra và giải pháp; Một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với đảm bảo an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về thành tựu và bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng thời gian qua; Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và một số trường đại học, học viện, cơ quan nghiên cứu ở trong và ngoài khu vực.