Bình chọn các sự kiện và hoạt động tiêu biểu của TP.HCM năm 2023
Sự kiện - Ngày đăng : 18:12, 30/11/2023
Bình chọn các sự kiện và hoạt động tiêu biểu của TP.HCM năm 2023
Ngày 30.11, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch về tổ chức bình chọn, công bố 10 sự kiện và hoạt động nổi bật của TP.HCM năm 2023.
Hội đồng bình chọn đã nhận được giới thiệu, đề xuất của 35 cơ quan, đơn vị gửi về, với trên 80 sự kiện, hoạt động được giới thiệu.
Trên cơ sở các sự kiện được giới thiệu và căn cứ vào tiêu chuẩn xét bình chọn, hội đồng đã xét chọn được 12 sự kiện và hoạt động tiêu biểu nhất để giới thiệu rộng rãi đến nhân dân TP để cùng xem xét và góp ý. Thời gian góp ý được tính từ thời điểm công bố cho đến hết ngày 5.12.2023.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân, hội đồng sẽ bình chọn 10 sự kiện và hoạt động nổi bật của TP.HCM năm 2023 để công bố vào dịp kết thúc năm.
12 sự kiện và hoạt động tiêu biểu bình chọn, gồm:
1. Chủ động, nỗ lực triển khai nhanh chóng thực hiện các nghị quyết của Trung ương vì sự phát triển của TP.HCM
Đó là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nâng tầm liên kết vùng trở thành một điểm nhấn quan trọng, là chìa khóa, động lực mới để vùng Đông Nam bộ, với tất cả tiềm năng to lớn và sự năng động phát triển của mình cất cánh vươn lên.
Tiếp đến là Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. TP.HCM đã tập trung tổ chức học tập, triển khai, hiện thực hóa Nghị quyết 31 một cách tích cực, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, TP.HCM đã khẩn trương ban hành Nghị quyết 18 của HĐND TP về triển khai thực hiện, sau đó cụ thể hóa rất nhiều cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 qua hai kỳ họp HĐND TP liên tiếp, thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên trên cả nước...
2. TP.HCM tập trung nhiều giải pháp nỗ lực vực dậy kinh tế, đạt kết quả tích cực
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, bức tranh kinh tế TP.HCM từng có giai đoạn ảm đạm, mà nhiều chuyên gia cho rằng đã chạm đáy khi kết thúc quý I-2023 với GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ, nhiều chỉ số tăng trưởng âm. Trước tình hình này, lãnh đạo TP và cả hệ thống chính trị đã quyết tâm, nỗ lực, kịp thời đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm, cấp bách để tháo gỡ, vực dậy nền kinh tế. Từ quý II-2023, kinh tế TP đã tăng tốc mạnh mẽ, nhiều chỉ số tăng trưởng ngoạn mục.
GRDP quý II-2023 của TP.HCM vượt lên 5,87% (tăng gấp 8 lần so với quý I và gấp 3 lần so với cùng kỳ). Đến tháng 9-2023, kinh tế - xã hội TP đã có nhiều điểm sáng, tạo tiền đề và động lực tích cực cho 3 tháng còn lại của năm 2023 để TP phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra.
Xác định mở rộng liên kết vùng là phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng Đông Nam bộ, UBND TP.HCM đã đồng chủ trì với UBND các tỉnh, TP tổ chức 5 Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với 36 tỉnh, TP; thu hút 2.520 lượt doanh nghiệp tham dự; ký thỏa thuận hợp tác 38 tỉnh, TP với nội dung hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực.
3. Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2023 (HEF)
Diễn đàn với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, hơn 1.400 đại biểu trong nước và quốc tế, 53 chuyên gia quốc tế và 18 đoàn bộ, ngành, địa phương quốc tế đã tổ chức các hoạt động thực chất xuyên suốt từ 13 đến 17.9. Diễn đàn xoay quanh 6 chủ đề chính.
Điểm nhấn là trao bản ký kết Tuyên bố chung giữa lãnh đạo TP.HCM với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Việc này góp phần giúp TP.HCM và Việt Nam tiếp cận các nguồn lực, kinh nghiệm, cũng như tham gia các chương trình toàn cầu của WEF, qua đó thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
4. Vành đai 3 và nhiều công trình hạ tầng trọng điểm
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM dài 76km, đi qua 4 địa phương (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An), tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam. Được khởi công vào tháng 6, dự án đã thể hiện sự quan tâm, nỗ lực hết mình của TP.HCM trong công tác giải phóng mặt bằng, với việc áp dụng các chính sách linh hoạt, phù hợp, để được khởi công đúng tiến độ.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức chạy thử nghiệm trên toàn tuyến với tổng 14 ga. Đây là một cột mốc đặc biệt quan trọng, đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình triển khai thực hiện dự án; kết thúc xây dựng, chuẩn bị đưa tuyến Metro số 1 TP.HCM vào vận hành khai thác.
Khởi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Dự án nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm, tạo sự đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án thoát nước. Ngoài ra, dự án hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối giữa TP.HCM đi các tỉnh miền Tây, nhằm hạn chế kẹt xe khu vực nội thị, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa.
5. TP.HCM tiếp tục là một trong các địa phương đi đầu về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Cụ thể, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hiệu quả nhiều dịch vụ số phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Thành lập Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn, là một khởi đầu đầy hứa hẹn trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, góp phần định hướng xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp quốc gia.
Bên cạnh đó, Chương trình Dấu ấn Techfest – Whise 2023 là sự kiện quy tụ những tâm huyết, sáng tạo và tri thức từ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Vừa qua, TP.HCM là cấp chính quyền duy nhất của Việt Nam được trao Giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục “Chính quyền số xuất sắc” (Asian Smart City Awards).
6. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó:
UBND TP.HCM tiếp tục triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2023 (DDCI). Bộ chỉ số DDCI 2023 đã có sự chắt lọc từ những tiêu chí cũ, gắn với từng ngành, từng lĩnh vực của doanh nghiệp. Bộ chỉ số đề xuất tiêu chí mới, là chỉ số xanh, chỉ số sức khỏe và môi trường. TP kỳ vọng những tiêu chí mới này góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững.
UBND TPHCM công bố hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên các nền tảng số (giai đoạn 1), với 3 chức năng làm thay đổi cách chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động của chính quyền TP từ thủ tục, báo cáo văn bản giấy tờ sang điều hành bằng hệ thống thông tin, có sự tương tác nhanh chóng.
7. Công tác an ninh trật tự được thực hiện thường xuyên, kiên quyết
Triệt phát đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong năm 2023, toàn lực lượng đã phát hiện, bắt và khởi tố 48 vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy qua tuyến đường hàng không, thu giữ hơn 370kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng liên quan.
Nổi bật nhất là chuyên án “VN10” đấu tranh với đường dây lợi dụng các du học sinh, người Việt Nam thường xuyên đi lại giữa các nước để vận chuyển ma túy từ các nước châu Âu về Việt Nam qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Chuyên án đã khởi tố 105 vụ án với 255 bị can, thu giữ hơn 70kg ma túy các loại, cùng 22 khẩu súng.
8. TP.HCM đẩy mạnh quảng bá du lịch
Nổi bật năm 2023 là chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn, là dịp khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào của chính người dân TP về lịch sử ngàn đời của cha ông trên vùng đất này; đem lại nguồn cảm hứng và những khám phám trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách về bản sắc văn hóa, về những điều đặc biệt nhất của TP.HCM qua các thời kỳ.
Đồng thời, chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP.HCM thể hiện sự cởi mở của chính quyền TP, khẳng định mong muốn gắn kết ngày càng chặt chẽ với nhân dân và luôn hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ.
9. Nâng cao năng lực y tế cơ sở TP.HCM
Chương trình thí điểm đào tạo bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế là một trong các giải pháp củng cố chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở trên địa bàn TP.HCM, tạo điều kiện và tăng chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay tại tuyến cơ sở. Có 270 bác sĩ tham gia toàn bộ chương trình thí điểm, với 204 bác sĩ lựa chọn được nơi làm việc.
Cùng với đó, là chương trình củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ; thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người từ 60 tuổi trở lên năm 2023, nhằm “đánh chặn” bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.
10. TP.HCM kỷ niệm 30 năm chiến dịch tình nguyện hè (1993-2023)
Từ chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” hình thành tại TP.HCM vào những năm 1994, các hoạt động tình nguyện hè đã nhanh chóng phát triển, trở thành các chiến dịch, chương trình tình nguyện rộng khắp, gồm: Mùa hè xanh, Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh, Tiếp sức mùa thi, Gia sư áo xanh. Năm 2023 đánh dấu mốc son kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TP.HCM.
11. TP.HCM mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với nhiều địa phương trên thế giới, xây dựng hình ảnh TP hữu nghị toàn cầu
TP.HCM đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với 58 địa phương trên thế giới. Năm 2023, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức nhiều chuyến công tác nước ngoài để tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước.
12. TP.HCM thúc đẩy hợp tác kinh tế và tổ chức hữu nghị phát triển sâu
TP đã ban hành “Đề án Thúc đẩy quan hệ với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025”. Thời gian qua, TP.HCM cũng tổ chức hàng loạt các đoàn công tác đến thăm các quốc gia để ngoại giao kinh tế, nhằm tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư tại TP đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.