Ứng dụng Temu dành cho người mua sắm ở Mỹ giúp PDD bắt kịp Alibaba về vốn hóa thị trường

Thế giới số - Ngày đăng : 20:48, 30/11/2023

Temu, ứng dụng mua sắm ra mắt tại Mỹ vào tháng 9.2022, đã trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ cho công ty mẹ PDD Holdings (Trung Quốc), nhanh chóng nâng vốn hóa của PDD Holdings cao hơn Alibaba trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Thế giới số

Ứng dụng Temu dành cho người mua sắm ở Mỹ giúp PDD bắt kịp Alibaba về vốn hóa thị trường

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Temu, ứng dụng mua sắm ra mắt tại Mỹ vào tháng 9.2022, đã trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ cho công ty mẹ PDD Holdings (Trung Quốc), nhanh chóng nâng vốn hóa của PDD Holdings cao hơn Alibaba trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Sự phổ biến đặc biệt của Temu, nơi cung cấp mức giá hợp lý để người tiêu dùng có thể “mua sắm như tỉ phú”, đã góp phần giúp doanh thu của PDD Holdings tăng 94% và giá cổ phiếu tăng mạnh. Điều này khiến Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, chúc mừng "những quyết định, việc thực hiện và nỗ lực" của đối thủ trên một trang web nội bộ.

Temu, cùng với ứng dụng Trung Quốc khác như Shein và TikTok Shop, đang nổi lên như những công cụ mua sắm siêu hạng kết nối người tiêu dùng nước ngoài với "cỗ máy sản xuất khổng lồ" ở Trung Quốc.

Lei Chen, Chủ tịch kiêm đồng Giám đốc điều hành PDD Holdings, cho biết trong cuộc họp báo kết quả kinh doanh hôm 29.11 rằng Temu “đã đạt được những tiến bộ đáng kể từ khi ra mắt một năm trước”.

Dù PDD Holdings không nêu bật Temu trong kết quả tài chính hàng quý hoặc cung cấp bất kỳ thông tin kinh doanh cụ thể nào về ứng dụng, các nhà phân tích đang điều chỉnh lại giá về PDD Holdings vì sự phổ biến của Temu.

Vốn hóa thị trường của PDD Holdings đã vượt qua Alibaba, đạt 192 tỉ USD trên sàn Nasdaq vào sáng 29.11 (giờ Mỹ), trong khi Alibaba giảm xuống dưới 190 tỉ USD.

Temu nổi tiếng nhờ một quảng cáo truyền hình chạy trong trận Super Bowl vào tháng 2 và ứng dụng này đã mở rộng ra hơn 40 thị trường, gồm cả Úc, New Zealand, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Temu đang thu hút các thương nhân Trung Quốc bằng cách nói rằng sẽ cung cấp “dịch vụ một cửa”, trong đó nền tảng này đảm nhiệm các dịch vụ về giá cả, tiếp thị và tiêu dùng, còn các nhà sản xuất chỉ cần vận chuyển hàng hóa của họ đến các kho được chỉ định ở Trung Quốc.

"Dịch vụ một cửa" là thuật ngữ để mô tả việc cung cấp tất cả dịch vụ và tiện ích cần thiết cho quá trình hoặc giao dịch cụ thể từ một nguồn duy nhất, giúp giảm bớt gánh nặng và rắc rối cho khách hàng.

Temu tự hào trong tập tài liệu quảng cáo rằng họ có thể bán hơn 10 triệu mặt hàng mỗi ngày cho người mua ở nước ngoài, đưa ra những ví dụ như đồng hồ thông minh chống nước giá 11,98 USD và giày đi bộ đường dài giá 26,9 USD.

ung-dung-temu-danh-cho-nguoi-mua-sam-o-my-giup-pdd-bat-kip-alibaba-ve-gia-tri-thi-truong.jpg
Temu đã trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ cho công ty mẹ PDD Holdings - Ảnh: Reuters

Li Chengdong, người sáng lập tổ chức tư vấn Dolphin có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), ước tính Temu có thể tạo ra doanh thu lên tới 20 tỉ USD trong năm nay. Li Chengdong nói: “Tiềm năng của chi nhánh quốc tế đã trở thành động lực chính thúc đẩy vốn hóa thị trường của PDD Holdings”.

Doanh thu quý 3/2023 của PDD Holdings tăng 94% lên 68,8 tỉ nhân dân tệ (9,6 tỉ USD), nhanh hơn nhiều so với các đối thủ lớn hơn là Alibaba và JD.com, hai công ty có doanh thu lần lượt chỉ tăng 9% lên 224,8 tỉ nhân dân tệ và tăng 1,7% lên 247,7 tỉ nhân dân tệ trong cùng kỳ.

PDD Holdings là công ty đến sau trong ngành. Nền tảng Pinduoduo của PDD Holdings, phổ biến với người Trung Quốc để mua sắm theo nhóm và giá hời, được ra mắt vào năm 2015. Trong khi đó, Alibaba được thành lập vào năm 1999 và JD.com ra đời năm 1998.

PDD Holdings đã mở rộng mô hình kinh doanh của mình ra nước ngoài vào thời điểm các nền tảng Trung Quốc khác, gồm cả Lazada của Alibaba, Shein và TikTok của ByteDance, đưa sự cạnh tranh lên một tầm cao mới.

Ví dụ, Lazada, tập trung vào thị trường Đông Nam Á, đã ghi nhận mức tăng trưởng đơn hàng hai chữ số trong quý 3/2023, theo tiết lộ tài chính của Alibaba. Chew Shou Zi, Giám đốc điều hành TikTok, cho biết vào tháng 6 rằng công ty sẽ rót hàng tỉ USD vào Đông Nam Á những năm tới.

Thế nhưng, căng thẳng địa chính trị có thể cản trở sự tăng trưởng. Nhà phân tích Li Chengdong cho biết Temu phải đối mặt với rủi ro ở nước ngoài “giống như những gì đã xảy ra với TikTok ở Indonesia”.

Vào tháng 9, TikTok đã phải tạm dừng hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến tại Indonesia, hai năm sau khi ra mắt, để tuân thủ các quy định mới. TikTok đang trong quá trình xin giấy phép ở quốc gia Đông Nam Á này, hãng thông tấn Antara đưa tin hôm 29.11, dẫn lời một quan chức địa phương.

Các nhà phân tích của hãng Morningstar Equity Research cho biết khoảng 60% tổng giá trị hàng hóa của Temu đến từ Mỹ, khiến ứng dụng này dễ bị tổn thương trước những thay đổi của thị trường này.

Morningstar Equity Research nhận xét: “Nếu xảy ra lệnh cấm Temu ở Mỹ do an ninh quốc gia và áp dụng thuế hải quan với hàng hóa trị giá dưới 800 USD được vận chuyển trực tiếp đến Mỹ thì sẽ làm giảm đáng kể giá trị của Temu”.

Vào tháng 4, Temu đã bị Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung cáo buộc có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, ứng dụng "chung nhà" là Pinduoduo của Temu đã bị Google Play đình chỉ vào tháng 3 sau những khiếu nại về sự hiện diện phần mềm độc hại nhằm vượt qua quyền bảo mật của người dùng và truy cập tin nhắn riêng tư.

Chủ tịch Lei Chen của cho biết Temu “vẫn đang ở giai đoạn đầu và sẽ phải đối mặt với những điều không chắc chắn”, đồng thời nói thêm rằng PDD Holdings “rất phấn khích và bị thu hút bởi những cơ hội, thách thức đi kèm với sự phát triển quốc tế”.

Jack Ma ca ngợi PDD Holdings, yêu cầu Alibaba điều chỉnh hướng đi

Trong thông điệp ngắn gọn của mình hôm 29.11, Jack Ma ca ngợi những quyết định được thực hiện những năm gần đây của PDD Holdings nhằm giành thị phần từ Alibaba - tập đoàn dẫn đầu thương mại điện tử Trung Quốc. Thế nhưng, ông tin rằng Alibaba sẽ thay đổi và “điều chỉnh hướng đi của mình”, theo hãng tin Bloomberg.

Từng là ứng cử viên sáng giá nhất Trung Quốc để trở thành công ty ngàn tỉ USD, Alibaba đang giao dịch ở mức giá gần như thấp nhất trong năm nay, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức đỉnh điểm vào 2020. Alibaba đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn cả bên trong lẫn bên ngoài, do sự phục hồi nền kinh tế chậm hơn dự đoán và các đối thủ mới nổi như PDD Holdings, ByteDance làm suy yếu hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến thống trị một thời của họ.

“Mọi công ty vĩ đại đều trải qua giai đoạn khó khăn. Khi kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho thương mại điện tử đang diễn ra, đó là cơ hội cho tất cả mọi người nhưng cũng là thách thức”, tỉ phú người Trung Quốc viết.

Alibaba năm nay đã trải qua một loạt biến động, bắt đầu bằng việc công bố kế hoạch chia tập đoàn thành 6 phần. Giám đốc điều hành Alibaba khi đó là Daniel Zhang đã từ chức và tập đoàn mời hai người bạn thân lâu năm của Jack Ma là Joseph Tsai cùng Eddie Wu để điều hành.

Nhiều tháng sau, cặp đôi này thông báo rằng sẽ gác lại dự án phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết bộ phận đám mây trị giá 11 tỉ USD của Alibaba, một quyết định đột ngột đặt ra nghi vấn về hướng đi tương lai của tập đoàn.

Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital, cho biết: “Phản ứng trực tuyến của Jack Ma chắc chắn sẽ làm tăng cảm giác hỗn loạn tại Alibaba. Chiến lược chia tách đang gặp khó khăn, Jack Ma đang giảm sở hữu cổ phần của mình. Thông điệp mới nhất từ ông, dù mang ý nghĩa động viên, lại truyền đạt thông điệp một cách nào đó gây mất hứng thú”.

Không rõ Jack Ma nhận thấy nhu cầu thay đổi cấp bách nhất ở đâu, nhưng lời nhắc nhở bất thường của ông cho thấy người đồng sáng lập Alibaba cảm thấy có nhu cầu phải nói chuyện với nhân viên. Tháng này, Jack Ma đã dừng kế hoạch giảm cổ phần của mình tại Alibaba vì giá cổ phiếu không ở mức mà ông hài lòng.

Những bình luận dành cho nhân viên của Alibaba là dấu hiệu mới nhất cho thấy tỉ phú thẳng thắn này đang hoạt động mạnh mẽ công khai hơn sau nhiều năm giữ mình ở phía sau ánh đèn sân khấu, sau cuộc trấn áp toàn diện của chính quyền Trung Quốc với các doanh nghiệp của ông. Jack Ma vừa thành lập một công ty mới chuyên chế biến và bán sản phẩm nông sản mang tên Hangzhou Ma’s Kitchen Food.

Sự tăng trưởng của PDD Holdings vượt xa các đối thủ Trung Quốc, nhấn mạnh cách công ty này sử dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng muốn mua hàng giá rẻ vào thời điểm kinh tế bất ổn. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11.11) vừa qua, PDD Holdings có thể đã đạt mức tăng trưởng 20% về giao dịch so với mức tăng một chữ số của đối thủ.

Sơn Vân