Biến đổi khí hậu phát tán loại thực vật hại chết tê giác

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 08:28, 01/12/2023

Mặc dù sống trên cạn nhưng bơi lội khá điêu luyện, tê giác vẫn bị nguy cơ chết đuối từ một kẻ thù thầm lặng. Đó là loại thực vật xâm lấn: loài lantana camara.
Kiến thức - Học thuật

Biến đổi khí hậu phát tán loại thực vật hại chết tê giác

Anh Tú 01/12/2023 08:28

Mặc dù sống trên cạn nhưng bơi lội khá điêu luyện, tê giác vẫn bị nguy cơ chết đuối từ một kẻ thù thầm lặng. Đó là loại thực vật xâm lấn: loài lantana camara.

tegiac.jpg
Một con tê giác ở Nepal

Tê giác là loài động vật trên cạn lớn hạng nhì, chỉ sau voi, và đã xuất hiện trên Trái đất khoảng 50 triệu năm trước. Trong số 100 loài tê giác khác nhau, hiện chỉ còn lại 5 loài.

Trong khi hiện trạng của loài tê giác pachyderm ăn cỏ ở châu Phi đã được ghi chép đầy đủ, thì những người họ hàng của nó là tê giác một sừng lớn ở châu Á có hành tung khó bị phát hiện hơn nhiều. Loài động vật ăn cỏ khổng lồ này có nhiều tên (còn được gọi là tê giác Ấn Độ, hay kỳ lân tê giác) nhưng chỉ có một vẻ ngoài đặc biệt nhờ làn da giống như áo giáp màu nâu xám và một chiếc sừng đen.

Loài tê giác một sừng lớn từng xuất hiện phổ biến trên khắp vùng đồng bằng phía bắc Ấn Độ nhưng hiện nay chúng bị giới hạn ở các khu bảo tồn, số lượng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Đã tuyệt chủng ở Bangladesh, Myanmar và Pakistan, tổng số tê giác một sừng lớn đã giảm xuống còn 100 cá thể vào năm 1960, khiến chúng được đưa từ nhóm "có nguy cơ tuyệt chủng" vào nhóm "dễ bị tổn thương" trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Theo Tổ chức Tê giác quốc tế, 4.000 con tê giác một sừng lớn hiện được thả trên đồng cỏ và đầm lầy ở vùng đất ngập nước phía bắc Ấn Độ, miền nam Nepal và Bhutan.

Nhưng mất môi trường sống (rừng ven sông), bị săn lùng để lấy sừng, xung đột giữa con người và động vật hoang dã và thậm chí bị cả các loài thực vật xâm lấn de dọa đang khiến những loài động vật có vú khổng lồ này “khó thở”.

Nguy hiểm từ thực vật

Từng bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng do nạn phá rừng và săn trộm vào những năm 1960, quần thể tê giác một sừng lớn đang trên đà phục hồi và hiện có 752 con ở Nepal, với 90% sống ở Công viên quốc gia Chitwan ở miền Trung - Nam Himalaya.

Mặc dù là loài bơi lội điêu luyện, nhưng loài động vật ưa bùn này có nguy cơ chết đuối từ một kẻ thù thầm lặng. Đó là loại thực vật xâm lấn: loài lantana camara ưa nắng, đã mọc bừa bãi vướng vào những con tê giác, khiến chúng mắc kẹt trong bùn theo đúng nghĩa đen.

Người ta còn ước tính rằng một phần ba phạm vi đồng cỏ tê giác một sừng lớn ở Chitwan đã bị xâm chiếm bởi loại dây leo Mỹ có tên mikania micrantha. Và đó là một vấn đề được dự đoán sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi hành tinh nóng lên.

Bhagawan Dahal, Phó giám đốc Hiệp hội Động vật học London (ZSL) ở Nepal cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu sẽ gây ra các loài xâm lấn và lũ lụt nghiêm trọng trong môi trường sống chính ở Chitwan. Trong khi đó, môi trường sống ở Bardia và Shuklaphanta (hai công viên quốc gia khác của Nepal) sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và cháy rừng”.

Một nghiên cứu của Cục Công viên quốc gia và bảo tồn động vật hoang dã ở Nepal cho thấy biến đổi khí hậu có thể khiến 1/3 môi trường sống của tê giác ở Nepal không còn phù hợp trong nửa thế kỷ tới.

Trước mắt thì vẫn có những tin vui. Dahal cho biết số lượng tê giác cư trú ở Bardia đã tăng từ 9 lên 38 con trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2021, trong khi quần thể hoang dã ở Shuklaphanta đã tăng từ 9 lên 17 con trong cùng thời kỳ nhờ sự di cư thành công từ Chitwan. Trong khi đó, Khu bảo tồn động vật hoang dã Koshi Tappu được Nepal nhắm là nơi tiếp theo để tái thả loài tê giác.

Mặc dù cuộc điều tra gần đây nhất cho thấy số lượng tê giác một sừng ở Nepal tăng 16% trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2021, nhưng con số thống kê này không thể hiện hết toàn bộ câu chuyện. Cục Công viên quốc gia và bảo tồn động vật hoang dã Nepal đã báo cáo 37 cá thể tê giác loài pachyderm ăn cỏ ở Chitwan chết vào năm 2021. Trong đó có 2 con chết dưới bàn tay của thợ săn, chấm dứt 4 năm không có nạn săn trộm ở công viên này.

Cách đó khoảng 1.000 cây số ở tỉnh Assam phía đông bắc Ấn Độ, loài động vật có vú siêu lớn này đã được tập trung ở một khu vực có nạn săn trộm kéo dài hàng chục năm. Là nơi sinh sống của 70% số tê giác một sừng lớn nhất thế giới, Công viên quốc gia Kaziranga rộng 700 cây số vuông đã chứng kiến 27 con tê giác bị tàn sát từ năm 2013 đến 2014. Dù tê giác có thể di chuyển với tốc độ tối đa lên đến 56km/giờ , nhưng chúng không thể vượt qua lưới điện giật, ngộ độc và bẫy do thợ săn đặt.

Bị lầm tưởng là có tác dụng chữa bệnh, sừng tê giác - được làm từ cùng một loại protein như móng tay và móng chân của con người - tiếp tục bị khai thác do nhu cầu cao ở Trung Quốc. Theo WWF (Quỹ Động vật hoang dã thế giới), sừng tê giác có thể trị giá lên tới 60.000 USD/kg trên thị trường chợ đen.

Việc cưa sừng tê giác hiện đang phổ biến ở một số khu bảo tồn ở các nước châu Phi như Namibia, Nam Phi và Zimbabwe để bảo vệ tê giác khỏi săn trộm, nhưng tiến sĩ Bibhab Kumar Talukdar cho rằng biện pháp bảo tồn cực đoan này sẽ không hợp lý ở Ấn Độ.

Điều đáng khích lệ là theo Tổ chức Tê giác quốc tế, chỉ có một vụ săn trộm tê giác được ghi nhận ở Ấn Độ trong năm 2021 và không có vụ nào ở Vườn quốc gia Kaziranga. Nhưng vụ bắt giữ 55 kẻ săn trộm ở Assam năm ngoái là bằng chứng cho thấy nhu cầu về sừng tê giác không hề suy giảm.

Một cuộc kiểm kê được thực hiện vào tháng 5 năm ngoái bởi 400 nhân viên công viên rừng, cùng với các máy bay không người lái, đã xác nhận có tổng cộng 2.613 con tê giác một sừng lớn ở Kaziranga, trong đó có 146 con non. Việc tăng 200 con trong vòng 5 năm rất ấn tượng nếu ta biết loài ăn cỏ này có tốc độ sinh sản rất chậm chạp, chúng chỉ sinh ra một con sau mỗi hai đến ba năm.

Trong khi tê giác một sừng đang hồi phục số lượng trở lại, chúng ta cũng đừng vội tự mãn. Đừng quên rằng loài này vẫn chỉ sinh sống ở một phần nhỏ trong phạm vi rộng lớn trước đây của chúng.

Anh Tú