‘Nghiệm cảnh’ - thế giới siêu thực của Nguyễn Thế Dung
Văn hóa - Ngày đăng : 16:30, 01/12/2023
‘Nghiệm cảnh’ - thế giới siêu thực của Nguyễn Thế Dung
“Nghiệm cảnh” là tất cả những ám ảnh, những suy tư trăn trở đã được họa sĩ Nguyễn Thế Dung đưa vào các tác phẩm của anh.
Nguyễn Thế Dung là một trong những họa sĩ được đào tạo bài bản về hội họa tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trên bước đường sáng tạo và thực hành nghệ thuật, anh đã tạo những ấn tượng rõ nét trong làng mỹ thuật Việt Nam. Giới hội họa gọi Nguyễn Thế Dung bằng cái tên thân mật “Dung bò” và cái tên này cũng đã thành “thương hiệu” của anh.
Nguyễn Thế Dung tạo được những dấu ấn riêng từ rất sớm trong cách khai thác hình tượng tạo hình khá độc đáo qua cả tranh và tượng mang xu hướng biểu hiện và một chút theo trường phái siêu thực. Thế nhưng với triển lãm "Nghiệm cảnh" lần này, anh đã khiến người thưởng lãm không khỏi bất ngờ về sự thay đổi khá đột ngột trong cách thể hiện.
“Theo dõi Dung một thời gian dài qua các hoạt động sáng tác, tôi thấy Dung là một họa sĩ trẻ yêu nghề có nhiều tiềm năng, luôn nghiêm túc trong suy nghĩ, công việc, luôn có ý thức trong việc tìm kiếm cái đẹp, cái mới, nên với loạt tranh trong triển lãm lần này tôi cũng không nhiều bỡ ngỡ khi chủ đề đã thay đổi, nhưng sự ngạc nhiên nhiều nhất lại nằm ở sự thay đổi quan niệm về tương quan và chiều thời gian”, họa sĩ Phạm An Hải nói.
"Nghiệm cảnh" của Nguyễn Thế Dung lần này là trạng thái "hiện thực tâm tưởng" rất mới. Với Nguyễn Thế Dung, lằn ranh giữa hội họa và minh họa ý tưởng tuy khá đơn giản, nhưng thật may điều đó đã không lẫn vào các tác phẩm hội họa của Dung. Đó chính là yếu tố làm cho các tác phẩm trở nên sống động, âm ỉ một sự bùng nổ.
Dù nó có vẻ ngoài câm nín và tĩnh lặng, không gian bao trùm đã vượt qua tất cả các chiều thời gian có lúc như có tốc độ, có lúc như đứng im dù chỉ vẫn là trạng thái tĩnh gần như bất động, mầu thời gian hiện ra đa sắc huyền ảo cũng chỉ qua sắc đen, thật bất ngờ và gợi cảm.
Dường như các chuyển động gây ảo giác trong loạt tranh trước đây đã nhường chỗ cho một sự tĩnh lặng cô đặc đến nghẹt thở. Tranh của Dung gây cho người xem cảm lơ lửng giữa thực tại và hư vô. Trong thế giới đa chiều đó, mọi thứ dường như khựng lại trong một nền đen thẳm huyền bí. Nghiệm cảnh là tất cả những ám ảnh những suy tư trăn trở đã được họa sĩ đưa vào các tác phẩm. Nó là một trải nghiệm mới, không hề dễ dàng để nhìn nhận và đánh giá, nhưng Dung đã trải nghiệm, đã dấn thân, và đạt được những dấu ấn mới rất riêng không bị nhạt nhòa trộn lẫn với thực tại xung quanh.
“Cuộc ra mắt này là kết quả làm việc trong 3 năm gần đây của Nguyễn Thế Dung. Ở chặng đường này xuất hiện những yếu tố mới và khác để tôi ngẫm ra tên gọi "Nghiệm cảnh". 20 bức tranh trải ra những khoảnh khắc hiện thực khác, là kết quả phóng chiếu nội tâm trải nghiệm hơn, cá nhân hơn và hình như lặng lẽ hơn. Hướng đi này ánh sáng mộng mị hơn, hội họa này có hướng tới siêu thực hay gì khác, vẫn khiêu khích hay sự phi lý trong suy tưởng thì dường như đang bớt đi sự nghi hoặc mà tinh thần trào lộng trở nên kín đáo hơn”, họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ.
Triển lãm "Nghiệm cảnh" của Nguyễn Thế Dung diễn ra từ nay đến hết ngày 17.12 tại J Art Space - 30 đường số 10, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Tôi thích sự kết hợp giữa nghệ thuật cổ điển và nghệ thuật pop. Vẻ đẹp cổ điển đòi hỏi kỹ thuật diễn tả và làm chủ màu sắc một cách thuần thục. Pop lại đem đến vẻ đẹp hiện đại, thực dụng, hết sức gần gũi và không nặng triết lý.
Tôi thích những bức tranh có kích thước lớn. Đứng trước tấm toan lớn, việc phóng đại những đối tượng nhỏ bé với trí bay bổng cường điệu kích thích tôi làm chủ tác phẩm của mình một cách hưng phấn. Các bức tranh thường có xu hướng đặt những đối tượng ở góc nhìn trực diện, gây ấn tượng đầy đủ và nhấn mạnh tới sự đối lập về kích thước chúng. Về màu sắc, tôi cũng ưa sử dụng các màu bổ túc như vàng - tím, cam - xanh… Đây cũng là bảng màu quen thuộc ở các bức tranh của tôi.
Mặc dù các bức tĩnh vật ở đây đều có không gian hư cấu mang hơi hướng siêu thực nhưng quả tình tôi không chú ý quá nhiều tới hình tượng. Nhiều người xem tranh thường hỏi tôi “cái này” hay “cái kia” có ý nghĩa gì?
Đôi khi họ cũng chia sẻ cảm nhận cá nhân với những liên tưởng rất xa. Chẳng hạn: Tại sao lại vẽ tĩnh vật quả đu đủ, phải chăng điều đó ám chỉ sự no đủ (trong tiếng Việt, đu đủ đồng âm với đủ, tương đương với ý nghĩa no đủ).
Tại sao lại là cái ghế? Phải chăng cái ghế nhằm ám chỉ vị trí xã hội của người ngồi trên đó?… Nhưng tôi không nghĩ nhiều như vậy. Tôi muốn nghệ thuật của mình hướng tới sự giản đơn, không nặng triết lý, chỉ đơn thuần là vẽ điều mình thích. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có đời sống riêng và người xem tranh có quyền cảm nhận theo cách riêng của mình. Tôi tôn trọng điều đó.
Họa sĩ Nguyễn Thế Dung