Đừng 'ném tiền qua cửa sổ' hàng chục tỉ đồng chỉ vì khói thuốc lá
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:05, 01/12/2023
Đừng 'ném tiền qua cửa sổ' hàng chục tỉ đồng chỉ vì khói thuốc lá
Theo các chuyên gia y tế, một bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn muộn thì chi phí điều trị lên đến hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu người dân biết cách phòng ngừa, hoặc có thể phát hiện bệnh sớm thì chi phí điều trị chưa tới 1/100 số tiền trên.
Hút thuốc lá chủ động và thụ động là 2 nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư phổi. Theo thống kê của các chuyên gia y tế, tại Việt Nam trung bình 1 gói thuốc lá khoảng 20.000 đồng. Nếu mỗi người hút 1 gói thuốc/ngày thì mỗi năm tiêu tốn khoảng 7,3 triệu đồng, và trong 20 năm là khoảng 146 triệu đồng.
Để phát hiện bệnh ung thư phổi, người hút thuốc lá chủ động hay thụ động thuộc nguy cơ cao phải chụp ít nhất 1 CT phổi liều thấp để tầm soát với chi phí khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì chi phí điều trị cho bệnh nhân có thể chỉ mất khoảng 100 - 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nam giới hút thuốc lá chủ động thường rất ỷ lại, chỉ khi có những triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, đau lưng dữ dội, sụt cân nhanh, vô cùng mệt mỏi và suy sụp mới chịu đi khám bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn rất muộn. Điều trị là vô cùng khó khăn, cần đa mô thức và cực kỳ tốn kém.
“Nếu những người hút thuốc lá chủ động phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, chi phí điều trị có thể lên đến 10 tỉ đồng. Ở giai đoạn này, chi phí điều trị của bệnh nhân gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, bơm xi măng, phong bế thần kinh. Nếu thêm những loại thuốc trúng đích hoặc liệu trình chuyên sâu như PDL-1, miễn dịch trị liệu...”, bác sĩ Đức giải thích.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn muộn còn tiêu tốn về chi phí mất sức lao động, nghỉ việc của bản thân và người thân, chi phí ăn uống bồi dưỡng nâng cao thể lực, chăm sóc giảm nhẹ, các loại thuốc phụ trợ, thực phẩm chức năng, bài thuốc dân gian... Đặc biệt là nỗi đau vô cùng tận về thể xác và tinh thần của bệnh nhân lẫn người thân. “Cứ như mỗi bệnh nhân và người trong nhà có một lưỡi đao trên đầu vậy. Tổn thất rất nặng nề”, bác sĩ Đức nói.
Theo bác sĩ Đức, những người thân của người hút thuốc lá chủ động như vợ hay mẹ thường khá quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ kèm chụp X-quang phổi. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ khi chụp chiếu cũng ra kết quả ung thư phổi ở giai đoạn muộn và bản thân họ cũng không hiểu tại sao bản thân lại mắc bệnh. Khi được bác sĩ giải thích “chồng hút vợ hít” thì họ mới hiểu là việc hút thuốc lá thụ động có tác hại ghê gớm đến như vậy.
Qua đó, bác sĩ Đức khuyến cáo những nam giới đang hút thuốc lá hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao hút thuốc lá chủ động và thụ động nên đi khám và chụp CT phổi liều thấp để có thể được chẩn đoán sớm ung thư phổi.
“Nếu đã lỡ hút thuốc lá thì thực sự nên bỏ đi, đừng làm giàu cho hãng thuốc lá rồi đến khi mình bệnh thì hãng thuốc lá có lo cho mình không, có cho tiền mình điều trị không. Chẳng may người thân vì thói quen không tốt của mình mà bị ung thư phổi, thì họ có đáng bị như vậy không”, bác sĩ Đức nói và chia sẻ: “Thầy thuốc luôn mong mọi người không có bệnh, còn nếu có bệnh thì cũng cực kỳ nhẹ và ít tốn kém nhất. Hy vọng ai cũng tầm soát ra không có bệnh, nếu có thì cũng ở giai đoạn sớm. Như vậy là bạn đã tiết kiệm được cả chục tỉ đồng rồi đó”.