Giám đốc AI của Meta: 'ChatGPT như sự xuất hiện thứ hai của đấng cứu thế'
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:20, 01/12/2023
Giám đốc AI của Meta: 'ChatGPT như sự xuất hiện thứ hai của đấng cứu thế'
Đã một năm kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT và nhiều người vẫn ngạc nhiên về mức độ phổ biến của chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) do OpenAI phát triển.
Yann LeCun, Giám đốc khoa học của Meta Platforms, nói với trang Forbes rằng ChatGPT được coi như "sự xuất hiện thứ hai của đấng cứu thế" khi nó được phát hành. Nhà tiên phong về AI cho biết thêm tác động của ChatGPT với phạm vi công cộng là “một sự bất ngờ lớn với tất cả mọi người, gồm cả OpenAI”.
Ông nói: "Điều ngạc nhiên là nếu bạn đưa công cụ này đến tay người dùng và nếu nó không đến từ một hãng công nghệ lớn thì mọi người sẽ thực sự ấn tượng với nó. Họ bắt đầu sử dụng nó".
ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng và người dùng nhanh chóng tìm ra cách sáng tạo để tận dụng công nghệ này. Trong vòng hai tháng đầu sau khi ra mắt hôm 30.11.2022, ChatGPT có hơn 100 triệu người dùng đã truy cập trang web, theo dữ liệu của công ty phân tích dữ liệu Similarweb.
Sự phổ biến của ChatGPT đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Google và khởi đầu cuộc chạy đua AI giữa các hãng công nghệ lớn. Meta Platforms kể từ đó đã phát hành nhiều sản phẩm AI khác nhau, gồm cả mô hình ngôn ngữ lớn Llama 2 và trợ lý AI dựa trên những người nổi tiếng.
Vào tháng 7, Meta Platforms đã phát hành Llama 2 dưới dạng mô hình AI chủ yếu là nguồn mở, giúp mọi người có thể sử dụng miễn phí. Yann LeCun nói với Forbes rằng quyết định này đến từ Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, sau một “cuộc tranh luận nội bộ lớn”.
Meta Platforms, cùng với phòng thí nghiệm AI Hugging Face, đã khuyến khích tính minh bạch khi nói đến các mô hình AI.
Yann LeCun đã chỉ trích các công ty AI nổi bật khác như OpenAI và Google DeepMind. Trong một bài đăng trên X, chuyên gia hàng đầu về AI này đã cáo buộc Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI), Demis Hassabis (Giám đốc điều hành Google DeepMind) và Dario Amodei (Giám đốc điều hành Anthropic) là "kích động nỗi sợ" và "vận động hành lang" để phục vụ lợi ích riêng của họ.
Điểm đáng chú ý là hồi tháng 1, Yann LeCun từng chê bai ChatGPT và cả OpenAI.
Về chatbot AI của OpenAI, Yann LeCun nhận định: "Xét về các yếu tố kỹ thuật cơ bản, ChatGPT chẳng mang tới các đổi mới đặc biệt nào. Không có gì mang tính cách mạng ở đây cả, dù đó là cách mà công chúng nhìn nhận nó. Chỉ là bạn biết đấy, ChatGPT được kết hợp với nhau rất tốt, nó được thực hiện rất tốt".
Ông cho biết các hệ thống AI dựa trên dữ liệu như vậy đã được phát triển trước đây bởi nhiều công ty và phòng nghiên cứu.
"OpenAI hoàn toàn không có sự vượt trội so với các phòng nghiên cứu khác", Yann LeCun nói.
"Không chỉ Google và Meta Platforms mà còn có nửa tá công ty khởi nghiệp về cơ bản có công nghệ rất giống với OpenAI. Tôi không muốn nói công nghệ này không khó để phát triển, nhưng nó thực sự được chia sẻ rộng rãi, không có bí mật nào đằng sau nó, nếu bạn muốn", chuyên gia này tuyên bố.
Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu AI tại Meta Platforms, ChatGPT và GPT-3 (phiên bản cũ mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI) thực chất gồm nhiều thành phần công nghệ đã được các công ty khác phát triển suốt nhiều năm.
"Bạn phải nhận ra rằng ChatGPT sử dụng kiến trúc Transformer đã được đào tạo trước theo cách tự giám sát này. Việc AI tự học có giám sát là điều mà tôi đã ủng hộ từ lâu, ngay cả trước khi OpenAI tồn tại", ông thổ lộ.
Theo Yann LeCun, kiến trúc Transformer là một phát minh của Google. Đây là mạng thần kinh ngôn ngữ được Google trình làng vào năm 2017, vốn nhanh chóng trở thành cơ sở cho hàng loạt các mô hình ngôn ngữ.
Bản thân việc nghiên cứu và phát triển các mô hình ngôn ngữ như vậy đã có từ nhiều thập kỷ trước.
Theo đó, mô hình ngôn ngữ ra mắt khoảng 20 năm trước, do Yoshua Bengio tạo ra. Yoshua Bengio cũng chính là người đứng đầu Viện Mila (trung tâm AI ở thành phố Montreal thuộc Canada, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu trong lĩnh vực học máy).
Mô hình ngôn ngữ do Yoshua Bengio tạo ra đã thu hút được sự chú ý của giới công nghệ thời điểm bấy giờ. Sau đó, mô hình này cũng được Google chọn làm nền tảng để tạo nên kiến trúc Transformer và trở thành một yếu tố then chốt trong tất cả mô hình ngôn ngữ.
ChatGPT đã sử dụng rộng rãi kỹ thuật gọi là học tăng cường thông qua phản hồi của con người. Điều này có nghĩa người dùng đưa ra các đánh giá về kết quả đầu ra, AI sẽ tự kiểm điểm và cải thiện, tương tự như tính năng xếp hạng trang của Google cho web. Theo Yann LeCun, công ty đầu tiên tiên phong trong cách làm này chính là Google DeepMind thay vì OpenAI.
"Vì vậy có cả một lịch sử đằng sau sự phát triển của AI và ChatGPT không tự nhiên xuất hiện từ hư không", Yann LeCun cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, ChatGPT ít mang tính đột phá khoa học. Thay vào đó, đây có thể coi là một ví dụ về việc thiết kế hợp lý và kết hợp tốt các phương pháp kĩ thuật. "Đó là những gì OpenAI đã làm. Tôi sẽ không chỉ trích họ vì điều đó", ông nói.
Khi được hỏi liệu FAIR, nhóm AI của Meta Platforms do Yann LeCun xây dựng, có ý định tạo ra một sản phẩm gây ấn tượng với công chúng, tương tự cách làm của OpenAI hay không.
"Chúng ta sẽ thấy điều này từ Meta Platforms phải không? Vâng, chúng ta sẽ thấy điều này. Không chỉ tạo ra văn bản mà nó còn hỗ trợ công việc sáng tạo nghệ thuật", ông trả lời.
Theo đó, Meta Platforms khẳng định các sản phẩm nghệ thuật được tạo ra tự động bằng AI sẽ mang tính cách mạng. Cụ thể, công ty sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ thực hiện việc tiếp thị bằng cách tự động tạo ra các hình ảnh hay video giúp quảng bá thương hiệu.
Các đối thủ cạnh tranh xuất hiện sau ChatGPT như Google Bard, Claude của Anthropic, Character.AI và Copilot của Microsoft đã chứng kiến lượng người dùng tăng đột biến. Tuy nhiên, ChatGPT vẫn chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trên thị trường chatbot AI.
Sáu tháng sau khi ra mắt trang web ChatGPT, OpenAI đã giới thiệu ứng dụng chatbot này trên iOS vào tháng 5 và sau đó là trên Android hồi tháng 7.
Theo công ty phân tích dữ liệu Apptopia, số lượt tải xuống ứng dụng ChatGPT trên iOS và Android đã tăng đều đặn trên cả hai nền tảng, trong đó OpenAI đã có doanh thu từ việc mua hàng trong ứng dụng.
Lãnh đạo và nhân viên OpenAI từng đánh giá thấp ChatGPT
Ilya Sutskever, đồng sáng lập và Giám đốc khoa học của OpenAI, từng thừa nhận không nghĩ ChatGPT hoạt động tốt trước khi ra mắt và gây bão internet.
Ilya Sutskever nói với trang MIT Technology Review rằng ban đầu ông không mấy ấn tượng với việc ChatGPT không thể trả lời các câu hỏi một cách chính xác và rất ngạc nhiên trước sự phổ biến bùng nổ của chatbot AI này.
Ông nói: “Phải thừa nhận rằng, tôi hơi bối rối khi chúng tôi tạo ChatGPT. Tôi đã không biết liệu nó có tốt hay không. Khi bạn hỏi một câu về sự thật, nó sẽ trả lời sai. Tôi nghĩ ChatGPT sẽ kém ấn tượng đến mức nhiều người sẽ nói: Tại sao bạn lại làm điều này? Điều đó thật nhàm chán!”.
Ilya Sutskever chia sẻ với MIT Technology Review rằng điểm thu hút thực sự của ChatGPT là sự tiện lợi chứ không phải độ chính xác, so sánh lần đầu tiên nhiều người sử dụng chatbot AI này với một "trải nghiệm tâm linh".
"Trải nghiệm lần đầu tiên đó đã cuốn hút mọi người. Bạn sẽ thốt lên: Ôi Chúa ơi, cỗ máy này dường như hiểu được chúng ta", Ilya Sutskever cho hay.
Có vẻ lãnh đạo và nhân viên OpenAI là những người ngạc nhiên nhất khi ChatGPT thành công. Greg Brockman, Chủ tịch và đồng sáng lập OpenAI, nói với trang Forbes rằng nhân viên của công ty khởi nghiệp không nghĩ chatbot AI này đặc biệt hữu ích và rất ngạc nhiên trước sự phổ biến đột ngột của nó. Thậm chí OpenAI được cho từng phân vân về thời điểm phát hành ChatGPT và xây dựng các mô hình thay thế trước khi quyết định ra mắt nó.
Kể từ năm 2020, OpenAI đã phát triển các công nghệ generative AI trên một siêu máy tính khổng lồ do Microsoft chế tạo, sử dụng 10.000 GPU (bộ xử lý đồ họa) của Nvidia. Microsoft đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào OpenAI và là nhà tài trợ lớn nhất của “cha đẻ ChatGPT”.
Việc chạy ChatGPT rất tốn kém với OpenAI. Theo phân tích từ chuyên gia Stacy Rasgon của ngân hàng Bernstein, mỗi truy vấn tốn khoảng 4 cent. Nếu các truy vấn ChatGPT tăng lên bằng 1/10 quy mô tìm kiếm của Google, ban đầu OpenAI sẽ cần số GPU trị giá khoảng 48,1 tỉ USD và số chip trị giá khoảng 16 tỉ USD mỗi năm để duy trì hoạt động.