Mỹ dẫn đầu cuộc chơi ngành bán dẫn, Việt Nam 'nắm thóp' ở phân khúc nào?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:17, 02/12/2023
Mỹ dẫn đầu cuộc chơi ngành bán dẫn, Việt Nam 'nắm thóp' ở phân khúc nào?
Xu hướng dịch chuyển vốn, công nghệ và chuỗi cung ứng từ Mỹ vào Việt Nam rất bài bản, chuyên nghiệp gắn với công nghệ mới, đặc biệt là trong ngành bán dẫn.
Sự kiện nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện ngày 11.9 vừa qua sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Nhiều đánh giá cho thấy hoạt động đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong trong thời gian tới sẽ có động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc điểm quan trọng của xu hướng dịch chuyển vốn, công nghệ và chuỗi cung ứng từ Mỹ vào Việt Nam rất bài bản, chuyên nghiệp gắn với công nghệ mới, nâng cao điều kiện làm việc, kiến thức kỹ thuật và chuyên môn... qua đó góp phần thúc đẩy phát triển môi trường đầu tư, kinh tế Việt Nam. Có thể kể tới các công ty điển hình của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam như: Apple, Qualcomm, Morgan Stanley, Intel, GE, ACORN International, General Dynamics, Google...
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, để thu hút hiệu quả các nguồn lực từ Mỹ trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao một cách hiệu quả hơn thì Việt Nam vẫn cần nỗ lực, cải thiện các yếu tố nêu trên hơn nữa để có thể thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ xứng tầm như kỳ vọng.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Phạm Châu Giang - chuyên gia cao cấp Quỹ VinaCapital cho hay 20 năm qua, chuỗi cung ứng về bán dẫn toàn cầu đã thay đổi rất nhiều khi các doanh nghiệp Mỹ định vị sâu hơn vai trò của họ trong chuỗi bán dẫn. Nhìn trên góc độ toàn cầu, các doanh nghiệp Mỹ vẫn đứng ở vị trí "lead" trong cuộc chơi về bán dẫn nhưng họ không đi sâu vào những phân khúc sản xuất, dây chuyền, đóng gói... họ đi sâu vào vấn đề thiết kế ý tưởng, nghiên cứu phát triển, phối kết hợp phân chia thị trường sao cho hợp lý.
Theo bà Giang, ngành bán dẫn có thể chia thành nhiều công đoạn như lên ý tưởng, nghiên cứu phát triển, thiết kế, sản xuất hàng loạt, kiểm nghiệm, đóng gói. Với phân khúc lên ý tưởng hay nghiên cứu phát triển thì với Việt Nam còn "quá sức" ở giai đoạn này. Chính phủ Việt Nam cũng có định hướng thành lập những công ty nghiên cứu và phát triển nhưng sẽ là nghiên cứu và phát triển sâu về một lĩnh vực nào đó, vì chúng ta khó có thể xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển nào đó mang tính toàn diện để tạo ra công nghệ mang tính đột phá. Đây là điều mà chúng ta phải thừa nhận.
Đối với vấn đề thiết kế, đây là lĩnh vực mà Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển, có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn khi Chính phủ đang có chiến lược đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ cao để phục vụ trong việc phát triển ngành bán dẫn. Theo bà Giang, ở lĩnh vực thiết kế, Việt Nam sớm có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư Mỹ như: Intel, Amkor, Apple, Qualcomm, Morgan Stanley, GE, ACORN International, General Dynamics... đã tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam để nghiên cứu về việc đặt các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam.
Về sản xuất chip, trước mắt Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn lực về chip thế hệ cao. Vì đầu tư một nhà máy công nghệ cao sẽ yêu cầu từ 10 đến 20 tỉ USD, thậm chí có những nhà máy lên tới 50 tỉ USD mà yêu cầu rất nhiều điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá rất cao là điểm đến cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực chip thế hệ cũ như chip trong ô tô, điện tử, điện thoại...
"Chúng ta nên bắt đầu với phân khúc chip thế hệ cũ, vừa miếng với khả năng của doanh nghiệp Việt Nam. Ai cũng muốn chạy nhanh nhưng để chạy nhanh thì trước hết cần đi vững. Đây cũng là bước đi phù hợp với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất", bà Giang nói
Về đóng gói-kiểm nghiệm, cho đến thời điểm này có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt những nhà máy kiểm nghiệm và đóng gói chip ở Việt Nam. “Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chính phủ các nước láng giềng như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ... đều có chiến lược riêng cho việc phát triển ngành bán dẫn. Việt Nam đã thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ rồi và nhiệm vụ hiện nay là làm sao để các nhà đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Tôi nghĩ nếu chúng ta có chính sách phù hợp khi họ đã đặt nền móng ở Việt Nam thì hoàn toàn có khả năng họ sẽ mở rộng mảng sản xuất ở Việt Nam", bà Giang nhấn mạnh.
Vậy, để thu hút các nguồn lực vào chuỗi sản xuất sản phẩm chip bán dẫn cho các khu công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, bà Phạm Châu Giang cho rằng Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ 3 vấn đề chính.
Thứ nhất là kết cấu hạ tầng ổn định. "Chúng ta đang mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đến với công nghệ cao, khu công nghiệp mới nên đầu tiên kết cấu hạ tầng phải rất tốt, kết nối giữa các khu công nghệ và các trung tâm thành phố, các cảng phải thuận tiện. Ví dụ, chip trong ngành bán dẫn đi bằng đường hàng không nhiều, vậy kết nối với các hãng hàng không như thế nào sẽ rất quan trọng", bà Giang cho hay.
Thứ hai, trong ngành công nghệ cao cần hai nguồn lực, gồm: năng lượng và con người. Vì sản xuất trong ngành công nghệ cao yêu cầu lượng điện ổn định, đây là ngành tiêu thụ điện rất lớn. Điện có thể quyết định được chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Tiếp theo là nguồn nhân lực, Chính phủ cần xây dựng nguồn nhân lực tốt có kinh nghiệm thực tế, thực tập trong các tập đoàn lớn của Mỹ và cần học hỏi các nước lân cận, đối thủ cạnh tranh về chính sách môi trường đầu tư để đưa ra những chiến lược ưu đãi linh hoạt về đầu tư, tạo ra phân khúc đầu tư hợp lý để thu hút các nguồn lực của Mỹ vào lĩnh vực này hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thứ ba là thủ tục đầu tư, cơ quan quản lý Việt Nam nên "cởi trói" những thủ tục rườm rà để giảm bớt thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. "Với ngành công nghệ cao hay bán dẫn thì chúng ta không nên đưa ra các quy định cứng vì chỉ 1 năm sau là những quy định này đã trở nên lạc hậu. Vậy làm sao để cập nhật, thay đổi các chính sách cũng là một bài toán khó với cơ quan quản lý. Và để làm được điều đó, chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước láng giềng như: Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ... Họ là những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong các phân khúc có thể đón các nhà đầu tư nước ngoài", vị chuyên gia này bình luận.
Trong xu hướng cơ cấu mạnh mẽ lại các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ sự ổn định về tình hình chính trị - xã hội, sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng đạt được những kết quả tích cực trong những năm gần đây. Tính đến nay Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có các hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với Liên minh Châu Âu (EVFTA), FTA với Vương quốc Anh (UKVFTA)... Việc tham gia các FTA đã và đang đem lại cho Việt Nam những cơ hội và thách thức đan xen, đồng thời mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng lợi thế của các FTA này khi đầu tư vào Việt Nam.