‘Mỹ dẫn đầu về AI và thiết kế chất bán dẫn tiên tiến, sẽ không để Trung Quốc bắt kịp’

Thế giới số - Ngày đăng : 10:40, 03/12/2023

Đó là tuyên bố của Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tại diễn đàn quốc phòng thường niên ở Thung lũng Simi (bang California, Mỹ).
Thế giới số

‘Mỹ dẫn đầu về AI và thiết kế chất bán dẫn tiên tiến, sẽ không để Trung Quốc bắt kịp’

Sơn Vân 03/12/2023 10:40

Đó là tuyên bố của Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tại diễn đàn quốc phòng thường niên ở Thung lũng Simi (bang California, Mỹ).

Hôm 2.12, bà Gina Raimondo kêu gọi các nhà làm luật, Thung lũng Silicon và các đồng minh của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc mua chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến, chìa khóa cho an ninh quốc gia.

Phát biểu tại diễn đàn quốc phòng thường niên ở Thung lũng Simi, Bộ trưởng Thương mại Mỹ gọi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta từng gặp phải” và nhấn mạnh “Trung Quốc không phải là bạn của chúng ta”.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh thương mại và địa chính trị khốc liệt, trong đó Bộ trưởng Thương mại Mỹ đóng vai trò quan trọng.

Hôm 17.10, bà Gina Raimondo đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc, gồm cả những hạn chế được sử dụng trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng chúng cho quân đội của mình.

“Tôi biết có những CEO của các công ty chip trong số khán giả này hơi cáu kỉnh với tôi khi tôi làm điều đó vì bạn đang mất doanh thu. Cuộc sống là vậy, bảo vệ an ninh quốc gia là vấn đề quan trọng hơn là doanh thu ngắn hạn. Dân chủ tốt cho doanh nghiệp của bạn. Quy định pháp luật ở đây và trên toàn thế giới là tốt cho doanh nghiệp của bạn”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói.

Bà Gina Raimondo lưu ý rằng Nvidia đã phát triển sản phẩm hoạt động ngay dưới giới hạn do Bộ trưởng Thương mại Mỹ đặt ra để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nvidia là hãng chip có giá trị nhất thế giới và thiết kế ra các chip phức tạp nhất cần thiết để phát triển thế hệ AI mới nhất.

“Mỗi ngày Trung Quốc thức dậy để cố gắng tìm ra cách vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chúng ta… Điều đó có nghĩa là mỗi phút trong mỗi ngày, chúng ta phải thức dậy để thắt chặt các biện pháp kiểm soát đó và nghiêm túc hơn về việc thực thi với các đồng minh của mình”, bà Gina Raimondo cho biết thêm.

Bà Gina Raimondo nhấn mạnh rằng Bộ Thương mại Mỹ cần nguồn tài trợ tốt hơn để thực hiện sứ mệnh của mình một cách hiệu quả.

“Tôi có ngân sách 200 triệu USD. Nó giống như chi phí của vài máy bay chiến đấu. Hãy tài trợ cho hoạt động này vì nó cần được hỗ trợ để chúng ta có thể thực hiện và cần làm để bảo vệ nước Mỹ.

Mỹ dẫn đầu thế giới về AI… Mỹ dẫn đầu thế giới về thiết kế chất bán dẫn tiên tiến. Điều đó là nhờ khu vực tư nhân của chúng ta. Không đời nào chúng ta để Trung Quốc bắt kịp”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ tuyên bố.

my-dan-dau-ve-ai-va-thiet-ke-chat-ban-dan-tien-tien-se-khong-de-trung-quoc-bat-kip.jpg
Bà Gina Raimondo kêu gọi các nhà làm luật, Thung lũng Silicon và các đồng minh của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc mua chất bán dẫn và công nghệ tiên tiến - Ảnh: AFP

Ngày 17.10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ ngăn các công ty nước này bán chip AI tiên tiến cho Trung Quốc. Một tuần sau, Nvidia nói lệnh cấm "có hiệu lực ngay lập tức" với hãng do các cơ quan quản lý của Mỹ đẩy nhanh tiến độ áp dụng hơn so với ban đầu.

Nvidia hiện chiếm 90% thị phần chip AI tại Trung Quốc. Thực tế, một số chip của AMD và Intel cũng được các công ty Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, chip từ Nvidia được đánh giá cao hơn nhờ khả năng xử lý các luồng tính toán song song với khối dữ liệu khổng lồ. So với CPU có số lõi xử lý hạn chế của Intel và AMD, GPU của Nvidia sử dụng hàng nghìn lõi, khiến chúng trở nên lý tưởng cho mô hình học máy và học sâu.

Bất chấp các hạn chế từ Mỹ, ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), Giám đốc điều hành Nvidia, tái khẳng định cam kết của hãng với Trung Quốc - thị trường chip lớn nhất thế giới.

Hoàng Nhân Huân cho biết sau thông báo về các quy định mới từ Mỹ, Nvidia đã nghiên cứu các chip AI dành cho Trung Quốc mà không bị hạn chế xuất khẩu.

Ông nói: “Chúng tôi phải tạo ra những chip mới tuân thủ quy định và một khi tuân thủ quy định, chúng tôi sẽ quay trở lại Trung Quốc. Chúng tôi cố gắng hợp tác kinh doanh với mọi người có thể. Mặt khác, vấn đề an ninh quốc gia của chúng ta là rất quan trọng. Khả năng cạnh tranh quốc gia của Mỹ rất quan trọng”.

Tỷ phú 60 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan cũng cảnh báo về những hậu quả không lường trước được của những quy định như vậy. Ông cho biết có tới 50 công ty ở Trung Quốc đang nghiên cứu công nghệ có thể cạnh tranh với các sản phẩm của Nvidia.

Nhiều tập đoàn lớn Trung Quốc như Alibaba, ByteDance, Baidu từng đặt đơn hàng chip AI trị giá tới 5 tỉ USD từ Nvidia. Tuy nhiên, theo lệnh cấm mới, đơn hàng này có nguy cơ bị hủy do Mỹ đẩy nhanh tiến độ thực hiện lệnh cấm.

Theo hai nguồn tin của Reuters, Nvidia đã thông báo với khách hàng ở Trung Quốc rằng đang trì hoãn việc ra mắt chip AI mới, mà hãng này thiết kế để tuân thủ các quy định từ Mỹ, cho đến quý đầu tiên năm 2024.

Các nguồn tin cho biết chip AI bị trì hoãn ra mắt là H20. Đây là chip AI mạnh nhất trong số ba chip dành cho Trung Quốc mà Nvidia đã phát triển để tuân thủ các hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ và có thể làm phức tạp thêm nỗ lực bảo toàn thị phần tại quốc gia châu Á trước các đối thủ địa phương như Huawei.

Trang SemiAnalysis đưa tin gã khổng lồ chip AI có trụ sở tại bang California (Mỹ) dự kiến ​​sẽ ra mắt ba sản phẩm mới sớm nhất là vào ngày 16.11. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết việc ra mắt H20 hiện đã bị lùi lại đến quý 1/2024, có thể là tháng 2 hoặc tháng 3.2024.

Các nguồn tin đã được thông báo rằng H20 đang bị trì hoãn do vấn đề mà các nhà sản xuất máy chủ gặp phải trong việc tích hợp chip này.

Ngoài H20, Nvidia đang lên kế hoạch với L20 và L2, hai loại chip AI khác cho Trung Quốc tuân thủ các quy định xuất khẩu mới từ Mỹ hôm 17.10. Các nguồn tin cho biết L20 không gặp phải tình trạng chậm trễ và sẽ ra mắt theo lịch trình ban đầu. Nguồn tin của Reuters không chia sẻ thông tin về trạng thái của L2.

Nvidia đang đặt cược vào ba chip AI này để giúp họ bảo toàn thị phần tại Trung Quốc sau khi bị cấm vận chuyển A800 và H800 tiên tiến do Mỹ thắt chặt quy định xuất khẩu.

A800 và H800 được giới thiệu như những lựa chọn thay thế cho khách hàng Trung Quốc vào tháng 11.2022, khoảng một tháng sau khi Mỹ lần đầu tiên cấm xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.

Ngoài H800 và A800, L40S của Nvidia (chip AI ra mắt hồi tháng 8) cũng không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, card đồ họa GeForce RTX 4090 hiện được săn lùng tại Trung Quốc. Theo thông tin trên website Nvidia, GeForce RTX 4090 được sản xuất trên tiến trình 5 nanomet, hỗ trợ AI đem lại hiệu suất cao, đặc biệt khi xuất hình ảnh 3D phức tạp, chỉnh sửa video 8K và hỗ trợ "chơi game cực nhanh" cho PC chạy Windows.

Theo phân tích của SemiAnalysis về thông số kỹ thuật của chip, H20, L20 và L2 chứa hầu hết các tính năng mới nhất của Nvidia dành cho hoạt động AI, nhưng đã bị cắt giảm sức mạnh tính toán để tuân thủ các quy định mới từ Mỹ.

"Mỹ phải mất 10 đến 20 năm nữa mới thoát khỏi sự phụ thuộc vào sản xuất chip ở nước ngoài"

Ông Hoàng Nhân Huân đã giải thích cách các sản phẩm của Nvidia dựa vào vô số linh kiện đến từ những nơi khác nhau trên thế giới, không chỉ riêng Đài Loan, nơi sản xuất những bộ phận quan trọng nhất.

Tỷ phú 60 tuổi nói: “Mỹ còn khoảng từ một đến hai thập kỷ nữa mới có đạt được sự độc lập về chuỗi cung ứng. Đó không phải là điều thực sự khả thi trong thời gian ngắn”.

Tầm nhìn này cho thấy có hành trình dài phía trước với một mục tiêu quan trọng của chính quyền Biden - đưa thêm nhiều ngành công nghiệp sản xuất chip về Mỹ.

Tổng thống Biden đã ủng hộ luật pháp lưỡng đảng để hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất ở Mỹ và nhiều công ty lớn nhất đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại nước này, gồm cả TSMC (đối tác sản xuất hàng đầu của Nvidia), cũng như Samsung Electronics và Intel.

TSMC (Đài Loan) là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, còn Samsung Electronics (Hàn Quốc) là hãng chip nhớ số thế giới.

Châu Âu cũng đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều cơ sở sản xuất tại địa phương. Đây là một phần trong nỗ lực đẩy lùi quá trình toàn cầu hóa kéo dài hàng thập kỷ vốn đã khiến hoạt động sản xuất phân tán trên khắp thế giới nhưng cũng dẫn đến các điểm tắc nghẽn ở các khu vực như Đài Loan và Hàn Quốc.

Sơn Vân