Bao giờ mới hết những 'con sâu làm rầu nồi canh'
Góc bình luận - Ngày đăng : 17:24, 04/12/2023
Bao giờ mới hết những 'con sâu làm rầu nồi canh'
Gần đây, lan truyền trên mạng xã hội hình ảnh xấu xí của người Việt trong mắt du khách quốc tế là một tài xế taxi sửng cồ với người nước ngoài khi bị nhắc nhở xả rác rằng "vứt rác thì liên quan gì tới ông”. Người Việt có câu “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ với hành động và phát ngôn này của tài xế taxi nọ, vẻ đẹp Việt Nam đã giảm đi ít nhiều với bạn bè quốc tế.
Chuyện xấu xí trước du khách nước ngoài thôi thì muôn hình vạn trạng: chặt chém du khách, xả rác bừa bãi, mở loa hết công suất, rải đinh ra đường, ăn cắp lan can cầu để bán sắt vụn, hút thuốc lá nơi công cộng, giành lối đi với cả với xe tang, vượt đèn đỏ hoặc lấn tuyến, khạc nhổ bừa bãi… Mà thôi, nếu liệt kê thêm nữa dễ bị quy cho là… không yêu nước, không có niềm tự hào dân tộc.
Còn nhớ sau một trận đá banh, trên khán đài sân ở Việt Nam đầy ngập rác, báo chí và cộng đồng mạng lên tiếng liền bị một số người dẫn các hình ảnh sân vận động ở Pháp cũng đầy rác. Đó là thói nguỵ biện và lấp liếm, bởi không lẽ ở Pháp vứt rác (chắc hiếm) thì người Việt cũng xả rác hay sao? Học người thì hãy học cái hay cái tốt, tại sao lại lấy cái xấu này để biện minh cho cái xấu khác. Rác ở đâu mà không có, vấn đề là cách dọn rác và xử lý rác ra sao.
Trước tình trạng xấu xí như nêu trên của một bộ phận người Việt, nhiều ý kiến cho rằng ý thức, trách nhiệm của người Nhật Bản, người Singaopore là điều người Việt cần học tập. Để có một cộng đồng dân tộc với ý thức trách nhiệm như người Nhật Bản, người Singapore hiện nay, các quốc gia ấy đã trải qua nhiều năm bền bỉ, chắt chiu, nâng niu từng hành động đẹp, cùng với mạnh tay xử lý các hành vi xấu xí, vi phạm. Sau một thời gian, tinh thần công dân thấm đẫm trong mỗi người để rồi dù ở đâu, làm gì, họ cũng luôn luôn nghĩ về lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn hình ảnh của đất nước, dân tộc.
Còn nhớ, trong tác phẩm Tự phán, cụ Phan Bội Châu có kể lại câu chuyện năm 1905, khi đang hoạt động tìm đường cứu nước ở Nhật Bản, cụ cùng bạn đồng chí hướng là Tăng Bạt Hổ rủ nhau lên Tokyo để tìm một người bạn Trung Quốc có tên Ân Thừa Hiến. Khi xuống tàu hỏa, cụ Phan Bội Châu gọi một phu xe Nhật Bản và đưa cho anh ấy tấm danh thiếp của Ân Thừa Hiến để nhờ tìm địa chỉ. Người phu xe đưa các vị khách Việt Nam tới địa chỉ đó, song người bạn cụ Phan đã chuyển địa điểm. Người phu xe Nhật Bản nói 2 vị khách Việt Nam ráng đợi để anh ấy đi tìm chỗ ở cụ Hiến. Hai vị khách Việt Nam đợi tới 5 giờ chiều mới thấy người phu xe quay trở lại.
Khi thanh toán tiền, người phu xe nói giá "2 hào 5 xu". Vì thấy giá quá rẻ, cụ Phan Bội Châu rút ra 1 đồng bạc để trả nhưng người phu xe kiên quyết từ chối với lý do: "Theo quy luật Nội vụ sảnh (tức quy định của Chính phủ) đã định, thì từ ga Đông Kinh (tức Tokyo) đến nhà này, giá xe chỉ có ngần ấy, vả lại các người là người ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật Bản mà đến, vậy ta nên hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tôi tiền xe quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó”.
Trước hành động của người phu xe Nhật Bản, cụ Phan Bội Châu đã cảm thán mà rằng: “Chúng tôi nghe lời nói ấy, từ tạ anh ta xong, tự nghĩ càng thêm tủi. Than ôi! Trí thức trình độ dân nước ta xem với người phu xe Nhật Bản, chẳng dám chết thẹn lắm hay sao”.
Hơn 100 năm sau, một người Nhật Bản sang Việt Nam thăm con trai làm việc ở TP.HCM, đã bị một người đạp xích lô “chặt chém” 2,9 triệu đồng cho quãng đường 1,5km. Vì đã đọc và thuộc nằm lòng câu chuyện của cụ Phan Bội Châu nên khi biết vụ này, tôi cảm thấy xấu hổ trước người khách Nhật. Bằng những mối quan hệ của mình, tôi đã gọi điện nhờ một số anh chị em học viên, trong đó có chị Đỗ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Nội vụ quận 1 khi ấy.
Thậm chí tôi có nói với chị rằng tôi sẽ tình nguyện đóng góp số tiền để trả lại cho ông cụ người Nhật. Trưởng phòng Nội vụ có cho tôi hay là quận đã biết và đã có các phương án giải quyết giữ gìn hình ảnh, uy tín cho quận 1, cho TP.HCM cũng như hình ảnh đất nước. Câu chuyện sau đó đã được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết êm đẹp, cụ ông Nhật Bản rất vui và hài lòng. Bị “chém đẹp” như vậy, nhưng khi trả lời báo chí Việt Nam, cụ Oki lại nhận lỗi về mình với lý do "Trước khi ngồi lên xe tôi đã không hỏi giá".
Năm 1987, bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy đã mở đầu bằng đoạn thoại: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người: Người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm".
Từ khi đất nước Việt Nam đổi mới, số người giàu lên ngày càng nhiều, song hình như “sự tử tế” trong một bộ phận nào đó theo tỷ lệ ngược lại. Cũng kể từ khi đất nước đổi mới, mở cửa, các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM đã tiếp nhận nhiều người ở khắp nơi trên đất nước về làm việc, kiếm sống. Không phải tất cả, nhưng hình như có nhiều người chỉ quan tâm đến việc học hành, làm ăn, đất đai, xuất ngoại... mà dần quên đi những giá trị về tinh thần, đạo đức.
Lâu dần, người ta gặp nhau chỉ hỏi về sự thành đạt được đo bằng cổ phiếu, bất động sản, trang trại, chức vụ... mà quên sự quan tâm về đạo đức, tử tế... Vậy nên có những người đã phải thảng thốt kêu lên rằng bây giờ ở một số nơi thật giả lận lộn, không biết đâu mà lần. Có những người bị công an còng tay vì nhận hối lộ thì trước đó không lâu đã “đăng đàn” thuyết giảng về đạo lý giữa đám đông, thậm chí ở hội trường quốc hội.
Thế mới thấy đạo diễn Trần Văn Thủy đã nhạy cảm và trách nhiệm với xã hội như thế nào khi ông kêu gọi đặt sự tử tế lên trên “lễ đài của quốc gia”, bởi đó là nơi thiêng liêng, trang trọng nhất. Quốc hội là nơi mà các đại biểu của dân, được nhân dân ủy quyền, thay mặt dân để nói lên tâm tư, nguyện vọng và cả khát vọng của mình…
Một bài học của học sinh lớp nhì (lớp 4) ngày xưa ở miền Nam có câu: “Con nên nhớ rằng chỉ liếc mắt trông qua cử chỉ của dân chúng ngoài đường là người ta có thể xét được trình độ giáo dục của cả một dân tộc”. Lại nhớ lời thoại phim Chuyện tử tế: “Tử tế có trong mỗi con người”. Hãy bền bỉ đánh thức nó.