Quán nhậu tại TP.HCM vắng khách cũng là tín hiệu tốt
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:50, 04/12/2023
Quán nhậu tại TP.HCM vắng khách cũng là tín hiệu tốt
Những năm trước, thời điểm cuối năm là lúc các quán nhậu tại TP.HCM ăn nên làm ra. Nhưng vào lúc này, quán nhậu tại thành phố lớn nhất nước đều khóc ròng vì... ế.
Quán nhậu vắng do khó khăn kinh tế
Từ đầu năm, kinh tế khó khăn do nhiều nguyên nhân khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Điều đó khiến việc kinh doanh các mặt hàng giảm sút dẫn đến làn sóng trả mặt bằng cho thuê. Trong số các loại hình kinh doanh thì kinh doanh ẩm thực, phục vụ ăn uống cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, nếu không muốn nói là thiệt hại hàng đầu.
Theo thống kê của Savills hồi giữa năm, ngành hàng ăn uống chiếm 30% diện tích bị bỏ trống, ngành hàng thời trang chiếm 21%, ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%.
Cho đến cuối năm, tình hình kinh doanh ẩm thực cũng không khả quan. Các năm trước, cứ dịp cuối năm gần đến Giáng sinh và năm mới thì người dân và du khách thường dễ dàng tham gia các cuộc vui nhậu nhẹt, ca hát. Riêng năm nay, kinh tế khó khăn thì người dân có tâm lý dành dụm chi tiêu cho năm mới.
Đường Phạm Văn Đồng kéo dài từ quận Gò Vấp đến TP.Thủ Đức được coi là thủ phủ của các quán nhậu nhờ tuyến đường đẹp, đông phương tiện. Tuy nhiên, thiên đường quán nhậu hiện cũng rơi vào tình trạng chung là ế ẩm với lượng khách giảm sâu. Theo một số chủ quán là giảm từ 50 – 70%.
Không chỉ các quán nhậu bình dân mà cả các nhà hàng, karaoke cũng chung hoàn cảnh. Các năm trước, hoạt động kinh doanh bất động sản sôi nổi, dòng tiền ra vào liên tục, kéo theo các ngành khác đều có đồng ra đồng vào, tổ chức tiệc tùng liên tục dịp cuối năm. Năm nay bất động sản đóng băng, các ngành khác cũng đứng hình nên khách giảm rõ rệt.
Nhiều chủ quán cho biết đã đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi, giảm giá nhưng không mấy khả quan. Doanh thu sụt giảm, phải thắt chặt mọi chi phí, giảm bớt nhân viên để duy trì quán với hy vọng khó khăn sẽ sớm trôi qua.
Bớt nhậu, bớt rượu bia cũng là tín hiệu tích cực
Bên cạnh đó, các quán nhậu hay karaoke thưa khách còn do việc triển khai đo nồng độ cồn với người tham gia giao thông đang được TP.HCM thực hiện quyết liệt.
Tuần qua, TP.HCM đã tổng kiểm tra nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm tại khắp các quận huyện trên địa bàn thành phố. Cụ thể, từ ngày 24.11 đến 3.12, lực lượng chức năng kiểm tra 54.950 trường hợp, gồm 19.090 ô tô và 35.860 xe máy, phát hiện 1.613 trường hợp vi phạm.
Việc TP.HCM thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn là điều cần thiết để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, thường cao vọt trong thời điểm cuối năm. Hoạt động này cũng khiến người dân trở nên có ý thức hơn, không còn hào hứng uống bia rượu tại các quán nhậu vì sợ bị phạt.
Theo kế hoạch ban đầu, việc kiểm tra nồng độ cồn này sẽ kéo dài đến Tết. Do vậy, các quán nhậu sẽ còn đối diện cảnh thưa khách trong thời gian tới, thậm chí cả sau này khi người dân dần hình thành thói quen bỏ nhậu nhẹt tràn lan.
Thực ra, “văn hóa nhậu” kéo theo “kinh tế nhậu” đã hình thành ở Việt Nam một thời gian dài đến mức bình quân đầu người Việt Nam tiêu thụ bia đứng hàng đầu thế giới. Về mặt tích cực thì thúc đẩy kinh tế đêm và công nghiệp đồ uống nhưng mặt tiêu cực là tai nạn giao thông do bia rượu gây ra đến mức báo động. Hơn nữa, văn hóa nhậu làm hủy hoại sức khỏe cộng đồng và nhiều hệ lụy khác cho kinh tế, xã hội.
Chỉ riêng vấn đề năng suất lao động, rượu bia cũng là ảnh hưởng không nhỏ đến người Việt Nam. Theo báo cáo, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 41,9 giờ trong năm 2020.
Tính theo PPP 2017, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% của Singapore; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 77% của Indonesia; 86,5% của Philippines… Trong khu vực Đông Nam Á, NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (gấp 1,6 lần) và Lào (gấp 1,2 lần).
Mặc dù năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao 8,02% nhưng NSLĐ của nền kinh tế cũng chỉ tăng 4,7% so với năm trước. Bình quân hai năm 2021-2022, NSLĐ tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng NSLĐ bình quân mỗi năm trên 6,5%.
Điều này có nghĩa là để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân ba năm 2023-2025, mỗi năm NSLĐ cần phải tăng khoảng 7,8%. Con số này khá cao nhưng không phải là không thể thực hiện được nếu xã hội nhìn nhận đúng vấn đề và thực hiện nghiêm túc.
Do vậy, đã đến lúc người Việt Nam nói chung và người TP.HCM nói riêng bớt rượu bia để tập trung vào lao động, vượt qua cơn khó khăn này.