‘Dự luật phòng, chống rượu bia cấm chưa ra cấm, phòng chưa ra phòng’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:10, 13/11/2018
Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, tại kỳ họp 6 Quốc hội khóa 14, nhiều đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh sự cần thiết thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, kịp thời ứng phó với thực trạng sử dụng rượu bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh đáng báo động.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) khẳng định, Luật Phòng, chống tác hại rượu bia nên được ban hành sớm hơn nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ rượu bia gây ra, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia ở mức cao.
“Việc ban hành luật không chỉ giúp kiểm soát được tình trạng sản xuất rượu thủ công (74%) mà còn giúp hạn chế các vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, giúp nâng cao sức khỏe và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội”, bà Hoa nói.
Theo đại biểu quốc hội Lê Thị Yến (Phú Thọ), việc sử dụng rượu bia đang tác có động tiêu cực đến sức khỏe của người dân Việt Nam, gây ra các bệnh không lây nhiễm, làm mất khả năng lao động, gây ra đói nghèo cùng rất nhiều các vấn đề xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, mất trật tự an toàn xã hội… Nếu so với lợi ích kinh tế mà rượu bia mang lại thì phí tổn để khắc phục hậu quả của rượu bia để lại lớn hơn rất nhiều.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cho rằng, dự án luật này cần bao gồm cả những quy định liên quan đến việc kiểm soát kinh doanh, quảng cáo, tài trợ rượu bia nhằm hạn chế tính sẵn có và dễ tiếp cận của rượu bia.
“Nếu chỉ đưa ra những quy định liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe thì các chính sách, giải pháp trong dự án Luật sẽ không toàn diện, công tác phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn”, ông Chương nói.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhấn mạnh, Luật cần phải phân loại rõ hơn, chi tiết hơn về các loại rượu bia ở các mức độ cồn khác nhau vào trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cửa hàng tăng bán các loại bia, rượu độ cồn thấp và giảm bán những loại rượu, bia có độ cồn cao.
Lý do là khi sử dụng loại rượu bia ít độ cồn và không độ cồn sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống, người uống sẽ cảm thấy vừa đủ, uống hết cuộc vui vẫn tỉnh áo đi về, không say, không gây hại đối với sức khỏe mà vẫn đảm bảo văn hóa giao lưu.
“Những loại bia, rượu không cồn thì trẻ em và phụ nữ đều có thể dùng được. Đây là những sản phẩm thay thế tốt cần quan tâm, nghiên cứu đưa vào thị trường. Đại biểNếu dự thảo Luật quy định cấm luôn mà không có sản phẩm thay thế thì có thể sẽ khó khả thi khi triển khai trong thực tiễn”, ông Cảnh nói.
Trong khi đó, theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), quy định kiểm soát chặt chẽ quảng cáo rượu bia sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Do vậy dự thảo Luật cần đánh giá tác động xung đột giữa luật này với những luật khác.
Vì lẽ đó, đại biểu này cho rằng về kiểm soát rượu bia nên có quy định linh hoạt mức độ kiểm soát quảng cáo khác nhau đối với những sản phẩm rượu, bia có nồng độ cồn khác nhau.
Đối với các hành vi nghiêm cấm, đại biểu cho rằng những điều cấm hiện nay quy định trong luật chưa có chế tài kèm theo nên sẽ rất khó xử lý. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung những chế tài cụ thể kèm theo, những điều cấm phải mang tính luật hoá cao để dễ áp dụng vào thực tế.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) đồng tình với sự cần thiết ban hành một luật liên quan, vì rượu, bia trước nay gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên theo đại biểu này, rượu bia có tính truyền thống lâu đời, từ sinh hoạt hàng ngày, đến nghi lễ giao tiếp cũng đều sử dụng.
“Chính vì vậy, phòng là đúng, nhưng phải quy định như thế cho phù hợp vì một số nội dung còn nan giải, “cấm chưa ra cấm, phòng chưa ra phòng”, ông Nghiêm nói.
Nhiều quan điểm khác nhau về tên gọi
Về tên gọi của luật, hiện còn 2 ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đồng tình với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”; ý kiến thứ hai đề nghị lấy tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất tên gọi là Luật kiểm soát đồ uống có cồn, vì trong thực tế, không chỉ có rượu bia mà còn rất nhiều loại thức uống có cồn tồn tại dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Do vậy tên gọi là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn sẽ mang tính bao quát hơn.
Đại biểu Đỗ Thị Lan nhất trí với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” như Tờ trình của Chính phủ, bởi tên gọi như vậy ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân đồng thời thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm, chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực.
Lam Thanh