Năm 2023, nhiệt độ đã cao hơn mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 11:39, 06/12/2023
Năm 2023, nhiệt độ đã cao hơn mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris
Năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử loài người và cao hơn cả ngưỡng nhiệt mà Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu hướng tới.
Năm nay là một năm hạn hán bất thường, lượng mưa gây lũ lụt khủng khiếp và những đợt nắng nóng thiêu đốt. Nhiệt độ trên mặt đất cực cao thậm chí ảnh hưởng đến cả dưới nước. Phần lớn Nam bán cầu kéo dài đến tận Nam Cực trải qua thời tiết giống như mùa hè trong suốt thời gian lẽ ra là mùa đông.
Do cách tính toán
Năm 2023 có thể đánh dấu lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng trên mức tới hạn, phác thảo hình ảnh về một thế giới mà nhân loại không thể kiểm soát được biến đổi khí hậu. Đến cuối năm, một số dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình của Trái đất đã ấm hơn 1,5° C so với nhiệt độ trung bình trước Cách mạng Công nghiệp.
Con số 1,5°C rất đáng chú ý vì đây là giới hạn được thiết lập như một phần của Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đồng ý rằng nhân loại cần hạn chế sự nóng lên của Trái đất trong thế kỷ này ở mức “thấp hơn” 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mà lý tưởng nhất là hạn chế mức tăng dưới ngưỡng 1,5°C.
Nhiệt độ toàn cầu có thể tăng và giảm hằng năm do sự biến đổi tự nhiên, do đó giới hạn 1,5°C được tính ở mức trung bình trong nhiều thập niên. Zeke Hausfather, một nhà khoa học nghiên cứu tại Berkeley Earth (một nhóm nghiên cứu khí hậu độc lập) cho biết: “Hầu như mọi người đều đồng ý rằng một năm vượt qua 1,5° C không có nghĩa là chúng ta đã làm đổ vỡ mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris”, đồng thời giải thích thêm rằng Thỏa thuận không quy định rõ ràng cách đo lường cột mốc này.
Để giải thích vì sao năm nay lại liên tục phá kỷ lục về nóng, cần làm rõ cách đo và tính toán nhiệt độ toàn cầu. Thế giới đã ấm lên khoảng 1,1° C so với nhiệt độ trung bình thời tiền công nghiệp.
Nhưng đó là mức trung bình. Việc đánh giá mức độ ấm lên trong một năm so với thời kỳ trước khi con người bắt đầu đốt than, dầu và khí gas tự nhiên với khối lượng khổng lồ là điều khó khăn hơn. Nhiều nhóm nghiên cứu theo dõi nhiệt độ toàn cầu như Trung tâm Met Office Hadley, NOAA, Copernicus của Liên minh Châu Âu, Berkeley Earth… đều đồng thuận về các kỷ lục nhiệt độ trong vài thập niên qua.
Nhưng giữa họ có sự khác nhau ở chỗ tính toán đường cơ sở vào những năm 1800, khi có ít nhiệt kế hơn và chắc chắn không có vệ tinh thời tiết.
Hausfather, người cũng là trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu tại Stripe, cho biết: “Những lựa chọn về mặt phương pháp mà các nhóm đưa ra để lấp đầy những khoảng trống dữ liệu trước đây ảnh hưởng đến việc ghi nhận nhiệt độ vào thời điểm đó nhiều hơn so với việc ghi nhận trong 50 năm qua”. Vì vậy, mặc dù bộ dữ liệu của Berkeley Earth có thể cho thấy năm 2023 ấm hơn 1,5°C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp, nhưng các nhóm nghiên cứu khác có thể đưa ra kết luận khác.
Tuy nhiên, năm 2023 đang trên đà trở thành năm nóng nhất mà con người từng trải qua mà bộ dữ liệu nhắc đến. Chẳng hạn, tháng 9 năm nay ấm hơn nhiều so với bất kỳ tháng nào được NOAA đo lường trong 174 năm. Trưởng nhóm khoa học của NOAA Sarah Kapnick cho biết: “Nói cách khác, tháng 9.2023 ấm hơn so với mức trung bình của tháng 7 (vốn được coi là nóng nhất trong năm) từ năm 2001 - 2010”.
Do các yếu tố cộng hưởng
Vào năm 2023, có một số yếu tố tự nhiên hội tụ đẩy nhiệt độ trên khắp thế giới tăng cao. Ví dụ, ngoài hiện tượng nóng lên bởi khí nhà kính do đốt nhiên liệu hóa thạch, chu kỳ nhiệt độ ở Đại Tây Dương và hoạt động bất thường của El Niño ở Thái Bình Dương cũng tác động vào các giai đoạn nóng trong năm nay.
Ngoài lượng khí thải carbon dioxide do con người tạo ra, còn có một số yếu tố gây nóng khác đang hoạt động trong năm nay. Vấn đề lớn nhất là năm nay có hiện tượng El Nino mạnh, có xu hướng làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha‘apai ở Tonga phun trào năm ngoái cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
Manoj Joshi, giáo sư về động lực khí hậu tại Đại học East Anglia ở Vương quốc Anh, lưu ý rằng, không giống như hầu hết các vụ phun trào núi lửa phun ra sol khí có tác dụng làm mát hành tinh (nhờ phản xạ ánh mặt trời), núi lửa Tonga lại gửi một lượng hơi nước lớn chưa từng có vào khí quyển. Hơi nước có thể hoạt động như một chất khí giữ nhiệt.
Cũng có ít khí dung làm mát từ các nguồn khác hơn do các quy định nhằm bảo vệ chất lượng không khí, gồm các quy định nhằm hạn chế ô nhiễm do vận chuyển có hiệu lực vào năm 2020. Các luồng không khí yếu hơn trên Đại Tây Dương cũng dẫn đến lượng bụi bị thổi lên từ sa mạc Sahara ít hơn mức thông thường. Việc thiếu bụi làm mờ mặt trời khiến nắng chiếu thẳng xuống biển nhiều hơn vào những thời điểm nóng nhất trong năm.
Joshi nói: “Khi bạn cộng tất cả những điều này lại, bạn có thể bắt đầu giải thích chuyện gì đang xảy ra".
Cảnh báo đáng lo ngại
Tuy nhiên, những biến số này không nói chắc chắn liệu năm 2023 chỉ là một đốm sáng phụt lên rồi tắt hay là sự khởi đầu của một xu hướng, mặc dù một số tháng trong năm nay ấm hơn với số lượng nhiều chưa từng có. Joshi nói: “Bạn cần nhìn vào năm 2024, 2025, 2026 và nếu tình trạng tiếp tục như vậy, thì bạn mới có thể nói nhiều khả năng đó là một sự tăng tốc”.
Các nhà khoa học về khí hậu thích theo dõi biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng mức trung bình từ 20 đến 30 năm, điều này giúp làm dịu đi những biến đổi qua từng năm. Tuy nhiên, cánh cửa hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đang đóng lại và không ai muốn đợi một thập niên để tìm hiểu xem liệu thế giới có đánh mất mục tiêu hay không.
Vì vậy, các nhà khoa học sử dụng mô phỏng và dự đoán để ước tính khi nào điểm tới hạn theo Thỏa thuận chung Paris sẽ xảy ra. Hiện tại, hầu hết các mô phỏng đều dự đoán rằng nhiệt độ trung bình của thế giới sẽ tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào đầu những năm 2030, nhưng một số dự báo cho thấy điều đó có thể xảy ra ngay sau năm 2027.
Do đó, thời tiết khắc nghiệt, kỳ lạ của năm 2023 có thể được hiểu là hình ảnh hé mở khi chúng ta nhìn vào cánh cửa dẫn đến tương lai.