Vì sao con tin Thái được Hamas trả tự do sớm nhất?

Quốc tế - Ngày đăng : 13:19, 06/12/2023

Channel News Asia cho biết, không chỉ thông qua kênh chính thức, Thái Lan còn tiến hành đàm phán riêng với Hamas nhằm giải cứu số công dân nước mình bị bắt làm con tin.
Quốc tế

Vì sao con tin Thái được Hamas trả tự do sớm nhất?

Cẩm Bình {Ngày xuất bản}

Channel News Asia cho biết, không chỉ thông qua kênh chính thức, Thái Lan còn tiến hành đàm phán riêng với Hamas nhằm giải cứu số công dân nước mình bị bắt làm con tin.

Để giải cứu công dân, Thái Lan theo đuổi 2 nỗ lực đàm phán song song. Bên cạnh kênh chính thức thì một nhóm người Thái theo đạo Hồi cũng tiến hành đàm phán riêng với Hamas.

Chủ tịch Hạ viện Thái Wan Muhamad Noor Matha (một chính gia Hồi giáo kỳ cựu) được một học giả Thái ở Iran tạo điều kiện trao đổi với đại diện Hamas ở Tehran. Kết quả là hai bên sắp xếp cuộc gặp trực tiếp tại Tehran vào ngày 26.10, đoàn 3 người Thái gặp gỡ Khaled Qaddoumi – nhân vật nằm trong danh sách mục tiêu của Mỹ. Ông Qaddoumi cam kết sẽ thả con tin là công dân nước này khi nhóm thấy an toàn.

Nhờ nỗ lực đàm phán riêng, công dân Thái nằm trong nhóm con tin mà Hamas trả tự do sớm nhất, nhiều người được thả sau khi Israel - Hamas thực thi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày.

vi.jpg
Số công dân Thái được Hamas trả tự do đầu tiên - Ảnh: Reuters

Giới phân tích nhận định thành công trên có được nhờ mối quan hệ lâu dài giữa Thái Lan với cộng đồng Ả Rập và hoạt động ngoại giao đa phương (đặc biệt giữa nhóm người Thái theo đạo Hồi với Hamas). Nhà đàm phán Lerpong Syed cho biết: “Hamas nói rằng chúng tôi là nhóm đầu tiên và duy nhất mà họ gặp trực tiếp”.

Hamas cũng hưởng lợi khi thả con tin vô điều kiện. Tiến sĩ Arthit Thongin (Đại học Mở Sukhothai Thammathirat) nhận định: “Hamas muốn xây dựng quyền lực mềm trong cộng đồng toàn cầu. Họ muốn có bạn bè. Vì vậy thả con tin là một thắng lợi nhanh chóng cho họ”.

Nỗ lực đàm phán riêng

Trong nỗ lực đàm phán riêng biệt, nhóm người Thái theo đạo Hồi nhấn mạnh lập trường trung lập của quốc gia Đông Nam Á và đề nghị Hamas thả công dân nước này vô điều kiện.

Ông Syed cho biết nhóm không đại diện cho chính phủ, cũng chẳng có gì để lấy ra mặc cả. Tất cả những gì họ làm là cầu xin giúp đỡ.

“Chúng tôi xin họ thả công dân Thái vì người Thái không liên quan đến xung đột. Đối thoại diễn ra rất lâu”, ông Syed kể lại.

Một tháng sau lúc thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, cộng đồng quốc tế bất ngờ vì 10 công dân Thái nằm trong số con tin đầu tiên mà Hamas trả tự do. Sau đó thêm 13 công dân Thái nữa được thả. Đến ngày 4.12 tất cả đều đã về nước.

Bộ Ngoại giao Thái xác định hiện còn 9 công dân bị giam giữ ở Dải Gaza. Thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ nên số phận của họ không chắc chắn.

Kết nối và đối thoại

Ông Syed là chủ tịch hội cựu sinh viên Thái Lan - Iran, hiện giảng dạy tại Đại học Quốc tế Al-Mustafa ở Iran. Anh trai ông đứng đầu nhánh Hồi giáo Shia tại Thái, gia đình lâu nay ủng hộ người Palestine.

Thông qua hoạt động như hội thảo học thuật hay tuần hành ủng hộ người Palestine mà ông Syed quen biết các thành viên Hamas – mối quan hệ mở ra cánh cửa đàm phán trực tiếp thay vì thông qua kênh chính thức do nước trung gian Qatar, Iran, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ lập nên.

vi01.jpg
Tiến sĩ Lerpong Syed - Ảnh: CNA

Bên cạnh tiếp cận đại diện Hamas, nhóm của ông Syed còn gặp một số nhân vật có ảnh hưởng tại Iran vào tháng 10 nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ. Song song đó chính phủ Thái cũng tích cực làm việc với các quốc gia Hồi giáo. Thủ tướng Srettha Thavisin tiếp đón Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman cùng thảo luận tình hình, Ngoại trưởng Parnpree Bahiddha-Nukara tìm đến ba người đồng cấp Ai Cập, Qatar, Iran.

Giáo sư Jaran Maluleem (Đại học Thammasat) chỉ ra Thái Lan đã sử dụng nhiều kênh ngoại giao khác nhau. Lập trường công nhận nhà nước Palestine cùng vai trò quan sát viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo của Bangkok cũng góp sức cho nỗ lực đàm phán giải cứu con tin.

Bài học về ngoại giao trung lập

Tuần trước, Ngoại trưởng Bahiddha-Nukara gửi lời cảm ơn đến Iran, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Malaysia vì đã hỗ trợ.

Giới phân tích nhận định dù Thái Lan lâu nay luôn đi theo đường lối ngoại giao trung lập, nhưng qua lần giải cứu con tin này cũng có bài học cần rút ra. Ông Maluleem nhấn mạnh Bangkok cần thể hiện tính trung lập mạnh mẽ hơn nữa, giáo sư đánh giá tuyên bố lên án vụ tập kích miền nam Israel mà Hamas thực hiện ngày 7.10 của Thủ tướng Thavisin là một sai lầm.

Thành công đàm phán cũng cho thấy rõ cộng đồng Hồi giáo Shia ở Thái đóng vai trò rất quan trọng trong duy trì quan hệ tốt đẹp với Iran. Thái Lan nên tăng cường quan hệ với quốc gia như Iran, một nước có tầm ảnh hưởng lớn như vậy sẽ giúp ích cho quốc gia Đông Nam Á trong tương lai.

Cẩm Bình