Thủ tướng: Đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:38, 06/12/2023
Thủ tướng: Đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện…
Miễn, giảm, gia hạn 172.000 tỉ tiền thuế, phí
Tại hội nghị Chính phủ thường kỳ ngày 6.12, các báo cáo cho thấy trong 11 tháng, đã miễn, giảm, gia hạn trên 172.000 tỉ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất (trong đó miễn, giảm khoảng 65.000 tỉ đồng).
Đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội, 15.000 tỉ đồng cho vay lâm sản, thủy sản được đẩy nhanh (đến hết tháng 10, các ngân hàng đã giải ngân trên 9.000 tỉ đồng gói tín dụng lâm sản, thủy sản, đạt 60%).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến tích cực, tổng khối lượng phát hành 11 tháng đạt 214.300 tỉ đồng; sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt tổng giá trị giao dịch đạt trên 107.440 tỉ đồng.
Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm; thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 11, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu 11 tháng gần 7,4 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4,16 tỉ USD, tăng 16,1% về lượng và 35,1% về giá trị so với cùng kỳ.
Phát triển doanh nghiệp tích cực hơn. Trong tháng 11 có khoảng 14.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,5% cùng kỳ, số vốn đăng ký tăng 47%. Tính chung 11 tháng có trên 201.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% (10 tháng tăng 2,9%).
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng khó khăn đặt ra còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh. Điều này tạo sức ép lên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội...
Ông Phương cho biết tháng 11 vừa qua, các tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn đưa ra nhiều dự báo trái chiều về triển vọng kinh tế thế giới. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu "tác động kép" từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm.
"Nhìn chung, bối cảnh, tình hình thời gian tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế-xã hội", ông Trần Quốc Phương nhận định.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Giao nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.
Song song với đó, xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường, nhất là các sàn giao dịch bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lao động, khoa học công nghệ... bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình.
Về đầu tư, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng.
"Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen. Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 vấn đề: Tăng cường liên kết vùng, liên vùng và cả nước; tập trung phát triển các lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; củng cố, phát huy các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường mới, nhất là tại Trung Đông.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó, phải hoàn thành phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn đầu tư công kế hoạch 2023 còn lại trước ngày 10.12.2023; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.
Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện các thủ tục chuyển 13.796 tỉ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm cho Bộ GTVT và 8 địa phương để triển khai thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia.