Giám đốc đứng sau công nghệ màn hình iPhone và Touch ID rời Apple
Thế giới số - Ngày đăng : 11:00, 07/12/2023
Giám đốc đứng sau công nghệ màn hình iPhone và Touch ID rời Apple
Steve Hotelling sẽ rời Apple, trang Bloomberg đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.
Steve Hotelling từng là Giám đốc cấp cao Apple giám sát công nghệ màn hình iPhone cùng Touch ID, đã thay đổi cách tương tác và hoạt động của iPhone.
Theo Bloomberg, Steve Hotelling được ghi tên trên nhiều bằng sáng chế liên quan đến tính năng màn hình cảm ứng của iPhone và iPad, đồng thời là một trong những nhà phát minh ra tính năng Touch ID của thiết bị Apple.
Touch ID (cảm biến vân tay) được Apple trang bị trên nút Home của những chiếc iPhone, iPad đời đầu của hãng, như iPhone 5s, iPhone 6, iPhone 6 Plus, iPhone SE, iPad Air 2, iPad mini 3...
Trong suốt sự nghiệp kéo dài 2 thập kỉ của mình tại Apple, Steve Hotelling đóng vai trò then chốt trong nhiều bước phát triển mang tính đột phá của công ty.
Chuyên môn và tầm ảnh hưởng của ông bao phủ hầu hết sản phẩm Apple từ iPhone, iPad, Apple Watch cho đến kính thực tế hỗn hợp Vision Pro sắp bán ra. Đóng góp đáng chú ý của Steve Hotelling vẫn là Touch ID, tính năng đã cách mạng hóa việc xác thực người dùng smartphone.
Ngoài ra, Steve Hotelling cũng giám sát nhóm kỹ thuật máy ảnh của Apple, có vai trò tiên phong trong nỗ lực phát triển công nghệ cảm biến độ sâu cho thực tế tăng cường (AR). Ông thúc đẩy sự đổi mới trong các sản phẩm của Apple.
Việc Steve Hotelling sẽ Apple sẽ để lại những khoảng trống lớn cho công ty. Tác động của Steve Hotelling với những tiến bộ công nghệ của Apple sẽ còn được cảm nhận rất lâu sau khi ông rời đi.
Apple chắc chắn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược đổi mới, gồm cả việc phát triển modem di động, chip không dây mới và màn hình microLED đầu tiên của hãng.
Steve Hotelling sẽ bàn giao công việc cho một số giám đốc cấp cao của Apple. Trong đó, Alan Gilchrist sẽ giám sát nhóm kỹ thuật máy và cảm biến độ sâu, còn Wei Chen sẽ chịu trách nhiệm chính liên quan đến công nghệ màn hình.
Hơn 10 giám đốc cấp cao tại Apple đã lần lượt nghỉ việc từ nửa sau 2022 đến nay, đặt ra thách thức mới cho công ty.
Theo Bloomberg, họ đều là những người nắm vị trí chủ chốt ở nhiều bộ phận, mang chức danh phó chủ tịch hoặc giám đốc, báo cáo trực tiếp với các phó chủ tịch cấp cao hoặc Giám đốc điều hành Tim Cook.
Cụ thể, những lãnh đạo đã rời Apple chủ yếu phụ trách lĩnh vực liên quan đến thiết kế công nghiệp, cửa hàng trực tuyến, hệ thống thông tin, dịch vụ đám mây, kỹ thuật phần cứng và phần mềm, bộ phận giải quyết vấn đề quyền riêng tư, bán hàng tại các thị trường mới nổi và dịch vụ mua sắm.
Việc hơn 10 giám đốc cấp cao rời Apple trong vòng nửa năm được đánh giá là điều bất thường. Trước đây, mỗi năm công ty chỉ mất khoảng từ một đến hai phó chủ tịch. Chẳng hạn, trong 2021, chỉ có Doug Field, từng đứng đầu nhóm phát triển ô tô tự lái, đầu quân cho Ford Motor.
Hầu hết giám đốc nghỉ việc ở Apple cũng là nhân sự lâu năm, có thời gian làm việc trên 15 năm. Một số thậm chí đang ở đỉnh cao sự nghiệp và có thể lên vị trí cao hơn trong tương lai gần. Sự rời đi của các nhân sự cấp cao buộc Apple phân bổ lại vai trò của những người cũ. Chẳng hạn, Karen Rasmussen sẽ thay Anna Matthiasson phụ trách cửa hàng trực tuyến Apple, Yannick Bertolus sẽ lên thay Laura Legros ở mảng phần cứng, Jeremy Sandmel và David Biderman sẽ cùng lãnh đạo mảng phần mềm thay cho John Stauffer.
Theo giới phân tích, có một số nguyên nhân khiến làn sóng nhân sự cấp cao ở Apple nghỉ việc. Trong đó, công ty được cho là đã trở nên quan liêu hơn trong những năm qua, đặc biệt khi phát triển sản phẩm. Ngoài ra, quy mô quá lớn của Apple khiến sự khác biệt của cá nhân không được chú trọng. Vấn đề chính trị nội bộ và tranh cãi giữa các bộ phận cũng khiến việc điều hành trở nên khó khăn.
Bản thân cấu trúc hoạt động của Apple cũng là yếu tố gây căng thẳng. Công ty được tổ chức theo chức năng, nghĩa là các nhóm phải có đóng góp vào tất cả sản phẩm lớn của công ty. Chẳng hạn, phó chủ tịch mảng kỹ thuật phần cứng chịu trách nhiệm giám sát các bộ phận về iPhone, Apple Watch, iPad, Mac, AirPods; còn một lãnh đạo kỹ thuật phần mềm sẽ điều hành các nhóm đóng góp cho iOS, macOS, watchOS và tvOS.
Cách tổ chức này có ý nghĩa trong những ngày đầu Apple hoạt động. Tuy vậy, giờ nó không còn phù hợp cho việc phát triển nhiều sản phẩm cùng lúc vì nguồn lực bị dàn trải giữa nhiều bên.
Huyền thoại thiết kế Jony Ive từng rời Apple vì lý do này.
Jony Ive rất thân thiết với Steve Jobs - nhà đồng sáng lập Apple. Ông đã dành hơn hai thập kỷ làm việc tại Apple và lãnh đạo việc thiết kế những chiếc iMac màu kẹo giúp Apple tái xuất trên thị trường sau thập kỷ 1990 gần như bên bờ phá sản. Jony Ive cũng lãnh đạo việc thiết kế của iPhone.
Thời còn làm Giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs coi Jonathan Ive là lãnh đạo quyền lực thứ hai tại công ty. Steve Jobs đưa nhóm thiết kế lên hàng đầu trong quy trình phát triển sản phẩm, bảo đảm họ đóng vai trò trung tâm trong iPod, iPhone và iPad.
Jony Ive rời Apple vào năm 2019 vì cơ chế lãnh đạo dưới thời Tim Cook và sau đó đồng sáng lập công ty thiết kế LoveFrom cùng Marc Newson. Tự mô tả là một "tập thể sáng tạo", LoveFrom có các khách hàng lớn như Airbnb và Ferrari.