Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng ngân hàng cho vay tập trung vào 'sân sau'
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:59, 07/12/2023
Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng ngân hàng cho vay tập trung vào 'sân sau'
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp (DN), dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của DN.
Tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15%
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30.11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%). Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2 - 3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp do đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, DN giảm tương ứng.
Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DN nhỏ và vừa (DNNVV); khó khăn từ thị trường bất động sản (BĐS) tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS trong khi tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.
Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, DN khó chứng minh hiệu quả kinh doanh, tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay.
“Nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng. Xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của tòa án theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp khó khăn, chưa thực hiện được”, ông Tú nêu.
Ông Tú cũng chỉ ra, mặc dù lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại còn ở mức khá cao. Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp…
Tại hội nghị, ông Tú khẳng định trong thời gian tới dứt khoát không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng. NHNN sẽ chủ động triển khai phân bổ hạn mức tín dụng một cách hợp lý nhất dựa trên nhiều yếu tố.
Một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương NHNN đã điều hành để vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong tháng 9, tháng 10.2023. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều (một số tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm); DN tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.
“Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng trên 700.000 tỉ đồng cấp cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống…”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cho rằng việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động, cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới đảm bảo luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
“Việc ban hành một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc, chưa thực sự sát tình hình và yêu cầu thực tiễn (như một số điều kiện, điều khoản trong Thông tư 06, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 10)”, Thủ tướng nêu.
Cũng theo Thủ tướng, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, chưa quyết liệt, khiến cho cạnh tranh lãi suất vẫn diễn ra (do các tổ chức tín dụng yếu kém này phải đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy động được tiền gửi của người dân…), khiến cho quá trình giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn…
Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số DN sân sau
Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý; đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính.
Ngoài ra, các DN BĐS cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm. Qua 2 hội nghị về BĐS, Thủ tướng đã đề nghị điều này, đến nay chưa được triển khai tích cực.
Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát những điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa để hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn.
“Xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của DN đầu tư dự án BĐS và người mua nhà”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững. “Xử lý vi phạm trong tình trạng người dân đến gửi tiền tại ngân hàng thì được môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao hơn”, Thủ tướng nêu.
Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số DN, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn, làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng.
Đối với chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, Thủ tướng yêu cầu mỗi ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng đề án riêng để đẩy mạnh cho vay đối tượng này.