Danh ca vọng cổ Văn Hường có làn hơi không ai bắt chước được!

Văn hóa - Ngày đăng : 14:28, 08/12/2023

Theo nghệ sĩ Trung Dân, danh ca Văn Hường là thần tượng của ông và người nghệ sĩ này có một làn hơi không ai bắt chước được.
Văn hóa

Danh ca vọng cổ Văn Hường có làn hơi không ai bắt chước được!

Nguyễn Huy 08/12/2023 14:28

Theo nghệ sĩ Trung Dân, danh ca Văn Hường là thần tượng của ông và người nghệ sĩ này có một làn hơi không ai bắt chước được.

Tin nghệ sĩ Văn Hường qua đời khiến nhiều nghệ sĩ và khán giả yêu cải lương tiếc thương. Nghệ sĩ Trung Dân cho biết, ông thần tượng danh ca Văn Hường từ khi ông còn nhỏ, chính vì vậy, ông hay nghe và thuộc rất nhiều bài ca mà ông Văn Hường trình diễn. Tuy nhiên, về phong cách của nghệ sĩ Văn Hường thì ông khó bắt chước được.

Nghệ sĩ Trung Dân tâm sự: “Tôi thần tượng chú Văn Hường từ hồi 12, 13 tuổi. Lúc đó, không được thấy chú trên sân khấu mà chỉ được nghe qua radio và cassette. Tôi còn lưu giữ rất nhiều băng thâu âm của chú. Về sau, khi học trong trường nghệ thuật, tôi đã có cơ hội gặp chú ngoài đời. Đó là một buổi thâu âm cải lương bao gồm cả bác Viễn Châu. Thú thật, trước đây, khi chỉ nghe giọng ca của chú, tôi nghĩ chú Văn Hường có dáng gầy ốm và gương mặt góc cạnh, nhưng ngoài đời, chú hơi tròn và có gương mặt phúc hậu. Sau khi bác Viễn Châu và chú Văn Hường ngồi nghe tôi ca mấy câu thì bác Châu bảo tôi hát cải lương rất có giọng, bác sẽ viết vài bài cho tôi hát, còn chú Văn Hường nhận xét tôi “hát chắc nhịp, ít bị đâm hơi”.

anh-man-hinh-2023-12-08-luc-14.04.49.png
Danh ca vọng cổ Văn Hường

Theo nghệ sĩ Trung Dân, nghệ sĩ Văn Hường dù nổi danh với thể thoại hát vọng cổ châm biếm trào phúng, nhưng ông hát bi cũng mùi mẫn không kém các danh ca kép mùi hàng đầu khác. Lối hát của ông khiến nhiều người muốn học theo nhưng rất khó để học. Đó là cách xuống câu vọng cổ không xuống dứt câu ngay, mà lượn lên lượn xuống nhúng làn hơi vài lần. Lối hát này là một phong cách rất đặc trưng của cố danh ca Văn Hường.

Thầy tuồng NSND Viễn Châu đã hướng nghệ sĩ Văn Hường theo thể loại hát hài. Ngày xưa, ông có lập gánh hát Thanh Hải – Văn Hường, sau năm 1975 là hát đoàn Thống Nhất và Phước Chung nhưng phần lớn cuộc đời ca hát của ông, chỉ hát thâu băng – cách hát mà dân trong nghề gọi là ca salon. Dù vậy, từ đầu những năm 1960, danh tiếng của ông lan rộng mọi chốn ở miền Nam. Ông đúng nghĩa là một nghệ sĩ rặc chất tài tử và bình dân. Ông ca hát vì đam mê và niềm vui tự thân chứ không phải vì ánh hào quang danh lợi. Ông lầm lũi sống, lầm lũi hát ca.

Khán giả thế hệ 6X, 7X trở về trước vẫn còn thích thú trước các bài hát vui nhộn nhưng châm biếm thói hư tật xấu của con người như: Tiền, Chó mực đi kiện, Văn Hường đánh đề, Vợ tui học tiếng Tây, Văn Hường đi Suzuki, Tư Ếch đi Sài Gòn...

Nghệ sĩ Văn Hường (tên thật là Nguyễn Văn Hường), sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay là phường Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Ông được mệnh danh là ông vua vọng cổ hài. Năm 15 tuổi, ông bán hột dưa tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Nghệ sĩ Lệ Liễu thấy ông còn nhỏ mà có giọng ca mùi nên rủ hát cùng. Bầu gánh Bảy Cao đoàn Hoa Sen và soạn giả Viễn Châu tình cờ nghe ông hát. Từ đó, soạn giả Viễn Châu đã đưa ông vào nghề ca hát.

Năm 1987, do tuổi cao, ông từ giã sân khấu, về mở quán đờn ca tài tử Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức.

Theo thông tin từ gia đình, danh ca Văn Hường đã trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ ngày 7.12. Ông hưởng thọ 90 tuổi.

Nguyễn Huy