Có nên học Hậu Nghệ để bắn rụng Mặt trời cứu Trái đất khỏi nóng?
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:30, 10/12/2023
Có nên học Hậu Nghệ để bắn rụng Mặt trời cứu Trái đất khỏi nóng?
Thần thoại xưa kể mặt đất quá nóng nên Hậu Nghệ phải bắn rụng bớt mặt trời. Ngày nay, tinh thần câu chuyện xưa đã được giới khoa học cân nhắc.
Ngày càng rõ ràng rằng chúng ta sẽ không đạt được các mục tiêu về khí hậu như Thỏa thuận chung Paris hướng tới (kiềm chế để Trái đất vào cuối thế kỷ nóng không quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp). Chúng ta đã nóng lên ở mức 1,26°C vào năm 2022 và đang trên đà vượt qua mức 1,5°C vào giữa thập niên 2030. Một số nghiên cứu thậm chí tin rằng chính sách khí hậu hiện tại sẽ dẫn đến Trái đất nóng lên hơn 2,5°C vào cuối thế kỷ này.
Sự nóng lên ở mức độ đó sẽ tàn phá các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Đã đến lúc chúng ta xem xét một điều gì đó hoàn toàn mới có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Sau những vụ phun trào núi lửa mạnh như Tambora (Indonesia) năm 1815 và Pinatubo (Philippines) năm 1991, nhiệt độ toàn cầu giảm xuống trong vài năm. Các vụ phun trào lớn tạo ra một lớp hạt siêu nhỏ, tồn tại ở tầng trên bầu khí quyển trong vài năm và có tác dụng làm ánh nắng từ Mặt trời chiếu xuống Trái đất tạm thời mờ đi. Chúng ta có thể sao chép hiệu ứng này để chống biến đổi khí hậu.
Trái đất được Mặt trời sưởi ấm, đồng thời nó còn được giữ ấm bởi lớp khí nhà kính giữ nhiệt mà hành tinh của chúng ta tỏa ra. Tác động nóng lên của lượng khí thải CO₂ do chúng ta gây ra có thể được khắc phục bằng cách tạo ra khói mù nhân tạo, giống như những gì được thấy sau các vụ phun trào núi lửa lớn. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng ta chỉ cần làm Mặt trời mờ đi khoảng 1% là đủ để làm mát hành tinh này thêm 1°C.
Điều này nghe có vẻ khó xảy ra. Nhưng mọi đánh giá kỹ thuật cho đến nay đều kết luận rằng việc sử dụng máy bay phản lực bay cao để phóng các hạt phản chiếu vào bầu khí quyển phía trên là khả thi và tương đối rẻ.
Rõ ràng, chúng ta có thể làm mờ Mặt trời – nhưng câu hỏi là có nên không?
Làm mát hành tinh sẽ có tác dụng
Làm mờ Mặt trời sẽ không đảo ngược hoàn toàn biến đổi khí hậu. Hiệu ứng làm ấm của Mặt trời mạnh nhất vào ban ngày, vào mùa hè và ở vùng nhiệt đới, trong khi khí nhà kính lại làm ấm Trái đất ở mọi nơi và mọi lúc.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tạo ra hiệu ứng làm mát đồng đều trên toàn thế giới bằng cách điều chỉnh nơi chúng ta phóng các hạt. Nghiên cứu cho thấy cách tiếp cận như vậy sẽ làm giảm đáng kể rủi ro khí hậu.
Nhiệt độ tăng cao thực sự đang rất nghiêm trọng. Các loài trên khắp thế giới đang di chuyển về phía hai cực khi hành tinh ấm lên. Nhưng nhiều loài sẽ không thể theo kịp sự thay đổi của khí hậu và còn có những loài khác không có nơi nào để đi, vì vậy tỷ lệ tuyệt chủng dự kiến sẽ gia tăng.
Chúng ta cũng đang chứng kiến sức nóng cực đoan đang tiến gần đến giới hạn chịu đựng của cơ thể con người, khiến tính mạng chúng ta gặp nguy hiểm và phải hạn chế công việc ngoài trời.
Khi hành tinh nóng lên, không khí ấm hơn sẽ hút thêm độ ẩm từ đất vào thời kỳ khô hạn và thoát ra nhiều hơn cùng một lúc khi trời mưa. Điều này đang làm cho các vùng khô hạn trở nên khô hơn, còn các vùng ẩm ướt lại càng ẩm ướt hơn và làm gia tăng cả hạn hán và lũ lụt trên khắp thế giới.
Làm mờ Mặt trời sẽ bù đắp hiệu ứng này. Nhưng đồng nó cũng sẽ làm thay đổi mô hình gió và lượng mưa toàn cầu.
Chặn một phần ánh sáng mặt trời cũng là một cách hiệu quả để giữ cho những phần băng giá trên thế giới bị tan băng. Nhiệt độ tăng cao đang khiến các tảng băng ở Nam Cực và Greenland tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh, đẩy mực nước biển toàn cầu lên cao. Biến đổi khí hậu cũng đang làm tan băng vĩnh cửu (đất đóng băng lưu trữ một lượng lớn carbon) dẫn đến phát thải nhiều khí mêtan và CO₂ hơn.
Phản ứng phụ khó lường
Mặc dù việc làm mờ Mặt trời có thể giữ cho Trái đất mát hơn nhưng nó sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề khí hậu: sự tích tụ CO₂ và các loại khí nhà kính khác trong khí quyển. CO₂ không chỉ làm ấm hành tinh mà còn axit hóa đại dương, khiến san hô và các sinh vật khác khó hình thành vỏ hơn. Làm mờ Mặt trời sẽ không thay đổi quá trình đáng lo ngại này.
Việc làm mờ cũng sẽ gây ra một số tác dụng phụ khác. Nếu chúng ta sao chép các vụ phun trào núi lửa bằng cách phóng các hạt sunfat lên tầng khí quyển phía trên thì chúng ta cũng sẽ gây thêm vấn đề mưa axit.
Những hạt này cũng có thể tác động đến tầng ozone vốn giúp bảo vệ chúng ta khỏi các tia UV có hại. Nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung thêm nhiều hạt sunfat vào bầu khí quyển phía trên sẽ làm giảm quá trình phục hồi của lỗ thủng tầng ozone vốn diễn ra khá chậm.
Những tác dụng phụ này đúng là mối quan ngại nhưng lúc này tác động của biến đổi khí hậu còn nguy hiểm hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy lợi ích của việc giảm nhiệt độ cực đoan đối với sức khỏe con người có thể lớn hơn những tác dụng phụ kể trên với tỷ lệ chênh lệch 50:1 (50 người không bị bệnh do thời tiết đánh đổi lấy 1 người bị bệnh do tác dụng phụ như mưa axit hay thủng tầng ozone).
Tác giả đoạt giải Nobel năm 1995 nhờ giải quyết vấn đề hóa học của lỗ thủng tầng ozone, Paul Crutzen đã nhận thức rõ về những tác dụng phụ này nhưng ông vẫn lập luận rằng chúng ta nên bắt đầu xem xét ý tưởng làm mờ Mặt trời một cách nghiêm túc. Trong một bài viết từ năm 2006, ông nhấn mạnh rằng tốt nhất là nên cắt giảm lượng khí thải CO₂ nhanh chóng để chúng ta không cần phải cân nhắc việc làm mờ Mặt trời để cứu nhiệt độ Trái đất. Tuy nhiên, ông than thở rằng “hiện tại, đây có vẻ như là một mong muốn ngây thơ”.
Triệu chứng ngày càng rõ
Ngày càng rõ ràng rằng “điều ước ngây thơ” này sẽ không thành hiện thực. Kể từ cảnh báo của Crutzen vào năm 2006, lượng khí thải CO₂ đã tăng hơn 15%. Chúng ta không cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh để ngăn chặn biến đổi khí hậu đang gây ra thiệt hại khủng khiếp.
Làm mờ Mặt trời sẽ không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh khí hậu và chúng ta phải tiếp tục nỗ lực cắt giảm khí thải. Thế nhưng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng liệu pháp Hậu Nghệ sẽ có tác dụng điều trị các triệu chứng hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên.
Chúng ta vẫn chưa đủ hiểu biết để khuyến nghị làm mờ Mặt trời ngay hôm nay. Thế nhưng, nếu các quốc gia không bắt đầu cân nhắc ý tưởng này một cách nghiêm túc, trước khi chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội quý giá để giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu.