Việt Nam - Trung Quốc: Hợp tác kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:27, 11/12/2023
Việt Nam - Trung Quốc: Hợp tác kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần, từ 2 tỉ USD vào năm 2008 lên 25 tỉ USD hiện nay.
Sau 15 năm, đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần
Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, trong thời gian qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt trên 175 tỉ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.
Trong năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5; thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc. Trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 103 tỉ USD và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Về đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh thành và chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta sau 11 tháng đầu năm nay với kim ngạch ước đạt 55,98 tỉ USD, tăng 6,2%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỉ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã đạt 155,58 tỉ USD sau 11 tháng đầu năm. "Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm", Bộ Công Thương chỉ rõ.
Triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển của kinh tế thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết cục đã và đang chủ động phối hợp cùng với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Ủy ban Xúc tiến thương mại Trung Quốc (CCPIT) Trung Quốc tại trung ương và địa phương tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch và làm việc tại các địa phương và hội chợ tại Trung Quốc để kết nối giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam.
Ông Xu Jinli - Trưởng ban Hợp tác song phương của CCPIT nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ 4 của Trung Quốc trong khối ASEAN, từ các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, sắt thép đến các lĩnh vực mới nổi như thông tin điện tử, năng lượng mới, kinh tế xanh, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, một loạt các dự án mang tính tiêu biểu đã được thực hiện. Ủy ban Xúc tiến thương mại Trung Quốc đã và đang thúc đẩy trao đổi hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với nước ngoài, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Trung quốc phản ánh lợi ích và nhu cầu đối với các tổ chức quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Theo bà Ye Yan - Giám đốc Ban các vấn đề ASEAN, giải pháp để thúc đẩy hợp tác song phương kinh tế và đầu tư giữa hai nước là tích cực phát huy vai trò của cơ quan xúc tiến thương mại, thúc đẩy các kênh hợp tác công nghiệp; khai thác tối đa lợi thế biên giới và thúc đẩy hợp tác công nghiệp xuyên biên giới của địa phương.
Hai bên sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại Trung Quốc - Việt Nam, xây dựng cảng thông minh, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; đồng thời đạt được sự đồng thuận tích cực chung về đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng và các vấn đề khác, đi sâu và mở rộng các kết quả hợp tác, xây dựng cộng đồng chung có cùng sứ mệnh. Ngoài ra, theo bà Ye Yan, cần tích cực triển khai hơn nữa những nhận thức chung quan trọng đã đạt được của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Điểm sáng là hợp tác kinh tế, thương mại
Đánh giá về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nhất là sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu. Trong 20 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại phiên họp lần thứ 15 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc vừa qua, hai bên đã đi sâu trao đổi và xác định một số trọng tâm công tác: Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, Quốc hội và Nhân đại toàn quốc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp Trung Quốc; phát huy vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác; triển khai tốt các cơ chế giao lưu quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật.
Hai bên nhất trí tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả, thực chất để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững, lành mạnh; tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong các dự án tồn đọng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại tại Việt Nam.
Đồng thời, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Hai bên cũng trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung cấp cao, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển đạt tiến triển thực chất.