Sản phụ 40 tuổi bất ngờ bị trụy mạch, ngưng tim khi đang mổ bắt con

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:35, 11/12/2023

Ngay sau khi các bác sĩ mổ thai bắt bé gái nặng 2,8kg, bất ngờ sản phụ H.H.H.Ng. (40 tuổi) rơi vào tình trạng trụy mạch, huyết áp không đo được và ngưng tim.
Thông tin Y học

Sản phụ 40 tuổi bất ngờ bị trụy mạch, ngưng tim khi đang mổ bắt con

Hồ Quang 11/12/2023 16:35

Ngay sau khi các bác sĩ mổ thai bắt bé gái nặng 2,8kg, bất ngờ sản phụ H.H.H.Ng. (40 tuổi) rơi vào tình trạng trụy mạch, huyết áp không đo được và ngưng tim.

Sau 2 lần sinh, ngày 30.11, sản phụ H.H.H.Ng. (40 tuổi) tiếp tục sinh lần thứ 3. Chị Ng. được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) trong tình trạng chuyển dạ, tuổi thai gần 39 tuần. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ chỉ định cho sản phụ sinh mổ vì ngôi thai nằm ngang kèm theo tiền sử đã từng mổ lấy thai. Lúc này, sức khỏe và các dấu hiệu sinh tồn của chị Ng. hoàn toàn bình thường.

vua-mo-bat-con-san-phu-40-tuoi-bat-ngo-bi-ngung-tim-hinh-anh(1).png
Bác sĩ thăm hỏi tình trạng sức khỏe bệnh nhân trước khi xuất viện - Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, khi các bác sĩ vừa mổ bắt bé gái 2,8kg thì sản phụ Ng. đột ngột trụy mạch, huyết áp không đo được và ngừng tim.

ThS-BS Giang Minh Nhật - Trưởng đơn vị Hồi sức tích cực tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận định đây là trường hợp thuyên tắc ối. Ngay lập tức ê-kíp bác sĩ gây mê hồi sức, cùng các bác sĩ sản khoa, vừa hồi sức tim phổi vừa cố gắng hoàn tất cuộc mổ và cầm máu tử cung do băng huyết sau sinh.

“Bằng kinh nghiệm của cả ê-kíp, sản phụ được hồi sức tim phổi thành công. Khi người bệnh có nhịp tim trở lại, các bác sĩ tiến hành khâu vết thương để tránh mất máu. Vì khi thuyên tắc ối xảy ra sẽ hoạt hóa hệ thống, làm rối loạn đông máu, máu chảy nhiều gây băng huyết. Lúc này ê-kíp phẫu thuật lại đứng trước chọn lựa khó khăn là có nên cắt tử cung để cầm máu hay không”, bác sĩ Nhật cho biết.

Theo bác sĩ Nhật, mặc dù sản phụ này đã sinh 2 lần nhưng bé đầu lòng đến 9 tuổi thì bị mất vì u não. Sau đó, chị sinh bé thứ 2, nhưng bé cũng đang bị tim bẩm sinh. Hiện tại bé thứ 3 mới mổ chưa nhận định được tình trạng sức khỏe có ổn định hoàn toàn hay không.

“Cân nhắc trước hoàn cảnh gia đình như vậy, chúng tôi quyết định chèn bóng vào tử cung để cầm máu và giữ lại tử cung để bệnh nhân còn có cơ hội sinh nở sau này. Kết quả chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi và các xét nghiệm sinh hóa huyết học sau đó cho thấy sản phụ có thuyên tắc ối. Sản phụ được chuyển vào đơn vị hồi sức tim mạch để chăm sóc đặc biệt”, bác sĩ Nhật cho hay.

Sau khi được hồi sức tim phổi thành công, huyết áp của sản phụ vẫn còn rất thấp, các bác sĩ tiếp tục duy trì thuốc vận mạch liều cao, và băng huyết sau sinh do rối loạn đông máu. Sau 24 giờ hồi sức tim mạch, sản phụ đã dần ổn định huyết áp và được rút nội khí quản.

“Qua 10 ngày theo dõi và điều trị tích cực tại bệnh viện, sản phụ đã hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống, nói chuyện bình thường. Đến chiều nay (11.12), mẹ con sản phụ Ng. đã được xuất viện”, bác sĩ Nhật thông tin.

TS-BS Bùi Chí Thương - Trưởng khối sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, thuyên tắc ối là một biến chứng cấp cứu sản khoa hiếm, đặc biệt nghiêm trọng khi dịch ối và các thành phần của nhau thai đi vào tuần hoàn mẹ. Tỷ lệ thuyên tắc ối được ghi nhận trong y văn dao động khoảng 40.000 đến 53.800 thai phụ, nhưng tỷ lệ tử vong lên đến 60 - 70%. Ở các thai phụ sống sót, 85% trường hợp mắc các di chứng thần kinh vĩnh viễn do ngưng tuần hoàn kéo dài.

Hầu hết thuyên tắc ối xảy ra trong lúc sinh với 3 dấu hiệu chính gồm: tụt huyết áp, giảm oxy máu và rối loạn đông máu (đông máu nội mạch lan tỏa).

“Đây không chỉ là cơn ác mộng của sản phụ mà còn là nỗi ám ảnh của tất cả các bác sĩ sản khoa. Biện pháp duy nhất để cứu sản phụ, và thai nhi là nhanh chóng tiến hành mổ lấy thai, hồi sức cấp cứu cho mẹ. Để làm được điều này cần sự phối hợp nhịp nhàng, nhiều kinh nghiệm của các chuyên khoa sản, hồi sức, X-quang can thiệp, nội tim mạch, bệnh lý sơ sinh…”, bác sĩ Thương chia sẻ.

Hồ Quang