Tencent, Huawei và các hãng nhỏ quảng bá chip AI thay thế sản phẩm Nvidia sau lệnh cấm của Mỹ
Thế giới số - Ngày đăng : 18:53, 11/12/2023
Tencent, Huawei và các hãng nhỏ quảng bá chip AI thay thế sản phẩm Nvidia sau lệnh cấm của Mỹ
Các nhà thiết kế chip Trung Quốc, gồm cả Huawei và Tencent, đang tích cực quảng cáo chip AI làm giải pháp thay thế cho Nvidia, hy vọng các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ sẽ thúc đẩy khách hàng chuyển đổi nhu cầu, theo nguồn tin của Reuters.
Nvidia (có trụ sở tại bang California, Mỹ) chiếm tới 90% thị trường chip trị giá 7 tỉ USD của Trung Quốc dùng để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ nhằm phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt kiểm soát công nghệ chiến lược của Mỹ vào tháng 10 đã khuyến khích cả những tên tuổi nhỏ hơn như Hygon Information Technology (được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn) và công ty khởi nghiệp Iluvatar CoreX tham gia cuộc chiến giành khách hàng với Nvidia.
Huawei có nhiều tiến bộ nhất, với chip Ascend 910B của hãng được so sánh Nvidia A100 về sức mạnh tính toán nhưng thua hiệu suất tổng thể.
Tencent và những công ty AI nhỏ hơn đang tăng tốc ra mắt sản phẩm chip và tổ chức nhiều đợt tiếp thị hơn, đặt cược rằng dù các quy định từ Mỹ chỉ ảnh hưởng đến những chip tiên tiến nhất nhưng họ vẫn có thể khiến khách hàng từ bỏ Nvidia, theo Reuters.
Là công ty game và truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc, Tencent cũng cung cấp dịch vụ đám mây cho khách hàng bên ngoài.
Tencent đã đẩy mạnh các dịch vụ sử dụng chip suy luận AI Zixiao mà tập đoàn này phát triển cùng với công ty khởi nghiệp học sâu Enflame, tự hào hiệu suất tương đương với một số chip Nvidia.
Một nguồn tin Reuters cho biết Tencent đang giới thiệu biến thể Zixiao v1 của mình như một sản phẩm thay thế rẻ hơn cho Nvidia A10, được sử dụng cho các ứng dụng AI nhận dạng hình ảnh và giọng nói. Tencent cũng đẩy mạnh một biến thể v2Pro sắp ra mắt được tối ưu hóa cho việc đào tạo AI để có khả năng thay thế Nvidia L40S - hiện đã bị Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tencent sử dụng chip Zixiao trong nội bộ và không bán chúng trực tiếp cho khách hàng bên ngoài. Tập đoàn Trung Quốc cho khách hàng thuê sức mạnh tính toán thông qua các dịch vụ đám mây và cũng cung cấp tùy chọn chip Nvidia hoặc AMD thay vì Zixiao.
Tencent nói không có kế hoạch phát triển Zixiao ngoài phiên bản hiện tại. Người phát ngôn tập đoàn này cho biết: “Tencent đã thiết kế Zixiao để bổ sung các sản phẩm và giải pháp điện toán đám mây của chúng tôi, tuân thủ theo luật lệ. Nó chỉ khả dụng cho khách hàng thông qua các dịch vụ doanh nghiệp của Tencent Cloud”.
Những hãng khác đang quảng cáo bán chip trực tiếp. Được Tencent hậu thuẫn, Enflame có chip tăng tốc đào tạo AI mang tên Yunsui.
Iluvatar CoreX, công ty sản xuất bộ xử lý đồ họa (GPU) Tiangai, đang quảng bá bản nâng cấp sắp tới cho các sản phẩm của họ để thay thế chip Nvidia A100, theo hai nguồn tin.
Hygon đang tiếp thị GPU Shensuan No. 2 mới phát hành, được thiết kế ngay từ đầu để tương thích với nền tảng điện toán chip CUDA của Nvidia. Điều này đồng nghĩa người dùng Nvidia có thể chuyển đổi chip với những thay đổi thiết kế tối thiểu, theo nguồn tin của Reuters.
Tháng trước, công ty khởi nghiệp Intellifusion đã công bố chip Deepedge10 để cạnh tranh với chip H20 sắp ra mắt cho thị trường Trung Quốc mà Nvidia thiết kế để tuân thủ các hạn chế xuất khẩu mới nhất từ Mỹ.
Intellifusion đưa ra thông báo của mình để tận dụng tình hình của Nvidia dù vẫn chưa sản xuất Deepedge10 hàng loạt.
Enflame, Iluvatar CoreX, Hygon Information và Intellifusion không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị bình luận. Nvidia từ chối bình luận.
Khả năng sản xuất
Các hãng công nghệ ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã bắt đầu hướng tới các lựa chọn thay thế Nvidia. Bản thân Tencent cho biết các biện pháp kiềm chế của Mỹ khiến hãng phải tìm kiếm các nguồn chip đào tạo AI trong nước.
Gã khổng lồ tìm kiếm internet Baidu đã đặt mua 1.600 chip AI Ascend 910B của Huawei cho 200 máy chủ.
Theo nguồn tin của Reuters, đến tháng 10, Huawei đã giao hơn 60% đơn đặt hàng cho Baidu, tức khoảng 1.000 Ascend 910B.
Nguồn tin thứ hai nói rằng tổng giá trị của đơn đặt hàng là khoảng 450 triệu nhân dân tệ (61,83 triệu USD) và Huawei sẽ giao tất cả chip vào cuối năm nay.
Dù đơn đặt hàng này rất nhỏ so với hàng ngàn chip mà các hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc trước đây đặt mua từ Nvidia, nhưng các nguồn tin nói rằng nó rất quan trọng vì cho thấy Baidu có thể rời bỏ sản phẩm của công ty Mỹ.
Baidu, cùng với các công ty cùng ngành ở Trung Quốc như Tencent và Alibaba, được biết đến là khách hàng lâu năm của Nvidia. Baidu trước đây không được biết đến là khách hàng chip AI của Huawei.
Dù chip Ascend của Huawei vẫn bị coi là kém xa so với Nvidia về hiệu năng nhưng nguồn tin đầu tiên cho biết chúng là sản phẩm nội địa tinh vi nhất có sẵn tại Trung Quốc.
Nguồn tin đầu tiên của Reuters tiết lộ: “Baidu đã đặt hàng Ascend 910B để chuẩn bị cho một tương lai có thể không còn mua được chip từ Nvidia nữa”.
Trang web Huawei cho biết họ đã hợp tác với Baidu từ năm 2020 để làm cho nền tảng AI tương thích với phần cứng của Huawei. Vào tháng 8, hai công ty Trung Quốc thông báo sẽ tăng cường khả năng tương thích giữa mô hình Ernie Bot của Baidu và chip Ascend của Huawei.
Baidu đã phát triển dòng chip Kunlun AI của riêng mình, hỗ trợ tính toán AI quy mô lớn, nhưng chủ yếu dựa vào Nvidia A100 để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn của mình.
Sau khi Mỹ áp đặt các quy định ngăn bán A100 và H100 cho Trung Quốc hồi năm ngoái, Nvidia đã phát hành chip A800 và H800 để thay thế cho khách hàng ở quốc châu Á này, gồm cả Baidu. Theo quy định vào ngày 17.10, Nvidia không thể bán A800 và H800 cho Trung Quốc nữa.
Ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), Giám đốc điều hành Nvidia, nói với các phóng viên tại Singapore vào tuần trước: "Đối thủ của chúng tôi ở Trung Quốc, đó là rất nhiều công ty khởi nghiệp... Có khoảng 50 công ty khởi nghiệp tập trung vào AI. Huawei là một đối thủ đáng gờm. Intel và AMD, hai công ty khác ở Mỹ, đều là những đối thủ cạnh tranh rất gắt gao. Chúng tôi không thiếu sự cạnh tranh".
Nếu giành được đơn đặt hàng, các nhà thiết kế chip Trung Quốc vẫn có thể gặp khó khăn về năng lực sản xuất do các hạn chế từ Mỹ áp đặt với các xưởng đúc như TSMC khi hợp tác với các công ty Trung Quốc, theo Lucy Chen - Phó chủ tịch hãng nghiên cứu Isaiah Research. TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.
Bà Lucy Chen nói: “Hầu hết quy trình sản xuất chip tiên tiến và khả năng đóng gói tiên tiến của Trung Quốc có thể sẽ được ưu tiên cho việc sử dụng của Huawei. Những công ty mới nổi này cần phải xây dựng chiến lược để vượt qua các ràng buộc mà các hạn chế từ Mỹ và giới hạn sản xuất đặt ra”.
Tuy nhiên, các hạn chế đã tạo ra cơ hội thị trường khi các gã khổng lồ công nghệ theo đuổi chiến lược có nhiều loại chip AI trong kho thay vì chỉ của Nvidia, với tính bền vững trong chiến lược AI của họ trở thành ưu tiên hàng đầu hơn là hiệu suất, theo Nori Chiou - Giám đốc đầu tư tại hãng White Oak Capital.
Ông nói: “Mỹ đặt ra mục tiêu ban đầu là làm chậm khả năng AI của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, hành động liên quan đó đã thúc đẩy khả năng tự phát triển của Trung Quốc. Nhiều gã khổng lồ về đám mây của Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái AI riêng mà không cần chip từ Mỹ do những hạn chế này”.