Cần đưa vào trường học chương trình huấn luyện kỹ năng phòng chống bạo lực
Giáo dục - Ngày đăng : 12:21, 12/12/2023
Cần đưa vào trường học chương trình huấn luyện kỹ năng phòng chống bạo lực
Tình trạng bạo lực học đường ở Việt Nam hiện rất phổ biến và diễn biến vô cùng phức tạp. Đây là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau chỉ trong một năm học. Đây là con số đáng báo động và rất cần được quan tâm. Một số thống kê khác ước tính rằng ở Việt Nam cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và cứ 11.000 học sinh thì có một học sinh bị đình chỉ học tập vì lý do đánh nhau.
Mỗi ngày đều có những vụ ẩu đả, đánh nhau ngay trong khuôn viên trường học, hay những bài đăng chửi bới, xúc phạm và uy hiếp nhau trên mạng xã hội… Qua đó, có thể thấy rằng tình trạng trên đang là vấn đề nhức nhối và có mức độ gia tăng mỗi ngày, hậu quả của nó ngày càng không thể biết trước được.
Một giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP.HCM) cho rằng vấn đề này ngoài bản thân học sinh và nhà trường, một phần nguyên nhân là gia đình. Với độ tuổi đang thay đổi tâm sinh lý mà trong gia đình có vấn đề như quát tháo hay bạo lực, cùng với việc ít quan tâm đến cảm xúc của con, đều sẽ ảnh hưởng một cách sâu sắc đến tâm lý, từ đó ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển nhân cách của con cái. Tình trạng này cũng đã có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng cùng với bạo lực học đường.
Chị Thu Dung, một nhân viên IT cho rằng, thêm một nguyên nhân đặc biệt gây nên tình trạng bạo lực ở trường đó là xã hội. Các em bị ảnh hưởng bởi môi trường văn hóa bạo lực như trong phim ảnh, sách báo và các trò chơi, game mang xu hướng bạo lực…
Những hình ảnh ấy ngày càng tràn lan trên mạng và không được kiểm duyệt dẫn đến những đối tượng ở độ tuổi vị thành niên bị tò mò và tiếp xúc với những loại hình ấy. Từ đó mà sinh ra tâm lý bạo hành bạn cùng trang lứa ở ngoài đời.
Dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, PGS-TS Trần Thành Nam (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng giải pháp cấp thiết là các trường cần đưa vào chương trình huấn luyện kỹ năng giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực.
“Một ngôi trường hạnh phúc có hay không phụ thuộc vào triết lý và văn hóa của nhà trường. Mỗi giáo viên là một tấm gương nhân cách tích cực; giáo viên và cha mẹ thống nhất sử dụng kỷ luật tích cực; nhà trường có quy tắc ứng xử phi bạo lực được áp dụng nhất quán với giáo viên, nhân viên và học sinh; ngoài ra cần triển khai các mô hình hỗ trợ hòa giải ngang hàng, phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giải quyết vấn đề,” ông Nam nói.
Ngoài ra, ông Nam cho rằng phụ huynh không nên “khoán” quá nhiều trách nhiệm cho thầy cô bởi trên thực tế, rất nhiều hành động bạo lực của trẻ ở trường là một cách "giận cá chém thớt,” di chuyển những xúc cảm tiêu cực mà trẻ phải chịu đựng từ gia đình sang các bạn khác ở trường, chẳng hạn như trẻ phải chịu những hình phạt hà khắc từ cha mẹ, hay trẻ bị ảnh hưởng từ những hành vi xấu của cha mẹ…
“Phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, trao đổi thẳng thắn với giáo viên, nhà trường để tìm hiểu và giải quyết sự việc một cách hợp lý nhất. Khi va chạm xảy ra, phụ huynh quay video và tung lên mạng xã hội, làm lộ danh tính và thông tin cá nhân của trẻ thì đó là một cách hành xử thiếu nhân văn,” ông Trần Thành Nam chia sẻ.
Ông Nam cho rằng mỗi người lớn nên xác định là tất cả những việc mà mình làm chủ yếu để bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ, không phải chỉ của con mình mà cả những trẻ khác nữa. Có như vậy thì môi trường học đường mới thực sự văn minh và lành mạnh.
Theo một chuyên gia tâm lý tại TP.HCM, việc ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường sẽ tùy trường hợp, nhưng điều cốt lõi phải thực hiện được chính là nâng cao được nhận thức của phụ huynh, giáo viên, học sinh về tệ nạn này và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn phù hợp. Có thể công tác tư vấn tâm lý học đường ở một trường nào đó chưa hiệu quả, nhưng không có nghĩa đơn vị khác làm không hiệu quả. Nếu không tìm được sự trợ giúp ở đây thì ta tìm ở nơi khác, thậm chí cả tìm kiếm từ các nền tảng trực tuyến.
Điều quan trọng là phải mở rộng được mạng lưới hỗ trợ, các đường dây nóng hỗ trợ học sinh bị bạo lực học đường hoặc có nhu cầu trợ giúp tâm lý, để các em không chọn hướng giải quyết xấu nhất.