Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:11, 12/12/2023
Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất
Đó là chủ đề của diễn đàn Năng suất quốc gia năm 2023 được tổ chức ngày 12.12, do Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp các bộ ngành, các địa phương.
Năng suất là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm, cùng phương hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) cho biết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia cũng như địa phương, năng suất luôn là một yếu tố nền tảng để đạt được các mục tiêu căn bản trong tăng trưởng.
Năng suất giúp tạo ra nhiều của cải vật chất hơn trong điều kiện giới hạn về nguồn lực, cải thiện mối quan hệ giữa người lao động và nhà quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn.
Theo TS Hà Minh Hiệp - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN), nếu chính sách không phù hợp, không cởi trói cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp không thể phát triển, nâng cao năng suất.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hiệp, Tổ chức năng suất châu Á (APO) có một công cụ GRP (thực hành quy định tốt) giúp ta đánh giá, nhìn nhận lại các quy định, chính sách ban hành đã phù hợp với doanh nghiệp hay chưa, các doanh nghiệp phản hồi lại ra sao; từ đó tìm ra hạn chế cần thay đổi.
Liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, PGS-TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng trong mọi chiến lược phát triển của các quốc gia.
Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo ban hành kèm theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11.1.2021 của Thủ tướng Chính phủ có nêu các yêu cầu và mục tiêu cụ thể.
Thứ nhất, xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về năng suất, chương trình hướng nghiệp tại một số trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về năng suất trong khối sinh viên các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai, tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo thực hành, mô phỏng về cải tiến năng suất.
Thứ ba, tổ chức các chương trình, khóa đào tạo về giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngoài ra, đến năm 2025 hình thành các CLB cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2030, con số này là ít nhất 20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo PGS-TS Phạm Minh Sơn, đây đều là những mục tiêu và yêu cầu rất mới đối với Việt Nam. Từ trước tới nay, xã hội và doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề năng suất, cũng có nhiều cơ sở nghiên cứu, tư vấn đã triển khai nghiên cứu về năng suất để ứng dụng cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Tuy nhiên, đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đây là lần đầu tiên chúng ta đưa năng suất trở thành một môn học…
Diễn đàn Năng suất quốc gia năm 2023 có 4 hội thảo chuyên đề, gồm: Nâng cao chất lượng quy định, chính sách để thúc đẩy năng suất; Giải pháp KH-CN và đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất; Phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất; Thúc đẩy năng suất chất lượng tại các tỉnh thành; Phiên toàn thể.