Vượt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, DN nội địa có thể xóa được khoảng cách với FDI?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 07:59, 14/01/2019
Xuất khẩu doanh nghiệp nội khởi sắc
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỉ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỉ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017).
Năm 2018, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017..
Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỉ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỉ USD.
Tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 237,51 tỉ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 94,80 tỉ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,71 tỉ USD, tăng 11,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm tăng 9,5% so với năm 2017.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đánh giá việc xuất khẩu trong năm qua có nhiều tín hiệu đáng mừng. Đó là con số xuất khẩu có mức tăng cao, thể hiện việc mở cửa hội nhập của quốc tế và sự tác động của kinh tế quốc tế.
“Nếu về nói về tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu là 13,8%, còn tốc độ tăng của nhập khẩu là 11,5%. Như vậy có độ chênh giữa tăng trưởng của xuất khẩu và nhập khẩu. Điều này nói lên việc giá trị gia tăng trong lãnh thổ Việt Nam đang tăng lên. Tốc độ tăng của xuất khẩu đang lớn hơn nhập khẩu, thể hiện nền sản xuất đang có tiến triển”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, về xuất khẩu, từ trước đến nay đều phụ thuộc FDI, tuy nhiên hiện nay việc này đã có được sự thay đổi quan trọng. Đó là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa lớn hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Tốc độ tăng của doanh nghiệp nội địa là tăng 15,9% còn FDI là 12,9%.
“Như vây, khu vực doanh nghiệp trong nước đã có sự bứt phá lên. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa đã đi đúng hướng. Nếu việc này tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh thì doanh nghiệp nội địa xóa được khoảng cách về xuất khẩu đối với doanh nghiệp FDI trong một tương lai gần”, ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân cũng đã có những bước phát triển tương đối cao, trong đó đặc biệt là lĩnh vực chế biến, chế tạo (trước nay chỉ doanh nghiệp FDI thống lĩnh mảng này). Trong năm 2018, hàng hóa về công nghệ chế biến đã có được sự tăng trưởng ngoạn mục. Đây là dấu hiệu có thể nói là nền kinh tế tư nhân đang phát triển.
Dư địa lớn cho xuất khẩu nông nghiệp
Cùng với đó, ông Thịnh cho hay, tăng trưởng xuất khẩu của nông nghiệp là một điều rất đáng mừng với tăng trưởng hơn 40 tỉ USD năm qua, chiếm một tỉ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu xuất khẩu hàng thô, hàng hóa chế biến rất ít, chỉ khoảng 20 - 25%. Do đó, việc tăng trưởng hàng hóa chế biến tăng lên thì giá trị xuất khẩu mới có thể tăng lên. Hơn nữa, việc phát triển công nghiệp chế biến còn dư địa rất lớn để Việt Nam có thể phát huy, tận dụng”, ông Thịnh nói.
Thời gian trước, theo ông Thịnh, việc xuất khẩu chủ yếu là lương thực, lúa gạo, nhưng gần đây thì lượng hàng rau, củ, quả đã được nâng lên, điều này cho thấy có sự thay đổi về chất trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, mục tiêu năm 2019 của ngành là phấn đấu cả nước có 48 - 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8 - 10% so với năm 2018.
Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, còn ba thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp trong năm tới mà “nếu chủ quan sẽ rất gay go”. Đó là vấn đề về tính bền vững của sản xuất trước tác động của thiên tai. “Những diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu gây tác động tới sản xuất và cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp, đây là thách thức lớn nhất”.
Tiếp theo là vấn đề chuỗi liên kết. Theo Bộ trưởng, lĩnh vực nào của ngành nông nghiệp cũng có liên kết, tuy nhiên liên kết quy mô còn hạn chế, vẫn chủ yếu là sản xuất hộ nhỏ lẻ dẫn tới không kiểm soát được chặt chẽ, rất rủi ro về thị trường.
Cuối cùng là nguy cơ về thị trường xuất khẩu. Ông Cường cho rằng, với thị trường rộng mở 40 tỉ USD và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng khiến Việt Nam dễ dàng bị tác động trước bất cứ biến động nào.
Để vượt qua những thách thức đó, Bộ trưởng nhấn mạnh cần thực hiện sâu sắc hiệu quả hơn tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, sản xuất chú trọng đi vào chất hơn. Đặc biệt, tập trung nhóm giải pháp đồng bộ nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
“Đồng hành chặt chẽ cùng các doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là hạt nhân trong liên kết 4 nhà để thực hiện cho được mục tiêu Nghị quyết năm 2019 Chính phủ đề ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lam Thanh