Có công ty kiếm hơn 1 tỉ đồng mỗi ngày nhờ bán vàng mã

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:29, 24/01/2019

Cứ mỗi ngày công ty này kiếm được hơn cả 1 tỉ đồng từ việc kinh doanh vàng mã, trong khi năm 2017 vàng mã chiếm đến 62% tổng doanh thu...
Bất cứ cái gì cũng có thể được hoá kiếp vàng mã - Ảnh từ Sức khỏe Cộng đồng

Theo báo cáo tài chính cả năm 2018 do Công ty CP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái vừa công bố, mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty này lần lượt đạt 388 tỉ đồng và 34 tỉ đồng.

Tính ra cứ mỗi ngày công ty này kiếm được hơn cả 1 tỉ đồng, trong khi doanh thu năm 2017 là 272 tỉ đồng và lãi ròng là 15 tỉ đồng. Riêng số lượng giấy đốt ra tro cho cõi âm của công ty này đã đạt hơn 5.000 tấn.

Tiền thân của công ty này là nhà máy giấy Yên Bái, thành lập năm 1972, thực hiện cổ phần hoá năm 2004. Năm 2018, Yên Bái đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 320 tỉ đồng, trong đó có mục tiêu tiêu thụ 5.800 tấn vàng mã.

Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy riêng trong năm ngoái, vàng mã, giấy đế đã mang về cho công ty 168 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 14,6 tỉ đồng. Riêng năm 2017, mảng kinh doanh vàng mã đóng góp đến 62% tổng doanh thu của công ty.

Với việc chuyên sản xuất, kinh doanh các loại vàng mã và giấy đế - giấy làm vàng mã, trên sàn chứng khoán Việt Nam, Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái là một trong số ít công ty kinh doanh loại sản phẩm đặc thù này. Bên cạnh đó còn có Công ty CP Hàng Kênh hay Công ty CP Tập đoàn Hapaco với khoản doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm từ mặt hàng vàng mã, giấy đế.

Nguồn ảnh: Sức khỏe Cộng đồng

Mặc dù thị trường lớn của các công ty này là ở Đài Loan, Trung Quốc nhưng nói về tập tục đốt vàng mã, trên tờ Kinh tế & Đô thị mới đây, TS.Nguyễn Viết Chức có nêu quan điểm: “Hiện nay, nhiều người đốt vàng mã, nhà lầu, xe hơi rồi cả tiền đô theo trào lưu. Quan niệm như vậy hoàn toàn không thiết thực, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và bản thân các di tích, đền, chùa. Ban quản lý, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhưng quan trọng vẫn là ý thức tự giác của công chúng có thay đổi hay không”.

Ông Chức cũng chỉ ra một nghịch lý là việc sản xuất vàng mã đã trở thành một nghề, là mặt hàng được phép sản xuất, không bị cấm. Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu tâm linh càng rầm rộ. Trước đây, làng vàng mã chủ yếu làm các đinh tiền, vàng kích thước nhỏ, nay thì toàn đồ cỡ đại như ô tô, xe máy, nhà lầu, điện thoại.

Hiện một trong những nơi được cho là "đại công trường" sản xuất vàng mã ở Việt Nam là xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đại diện một gia đình chuyên sản xuất vàng mã tại đây nói trên Zing rằng: "Bảo là tốn kém chứ mỗi một năm cũng chỉ chi ra từ vài chục cho tới vài trăm nghìn là cùng".

Nguồn ảnh: Sức khỏe Cộng đồng

Tục đốt vàng mã không nằm trong văn hóa Phật giáo

Theo quan điểm của các nhà tu hành đạo Phật ở Việt Nam, tục đốt vàng mã không thuộc về văn hóa Phật giáo và không nên được thực hiện ở nhà chùa. Tập tục này không đem lại lợi ích thiết thực gì cho xã hội.

Trao đổi với Thời Đại, Đại đức Thích Thanh Thắng từng nói, tập tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc. Không có bất kỳ một kinh sách nào trong Phật giáo nói đến việc đốt vàng mã. Và ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, một số cao tăng đã đề cập đến hủ tục này.

A.Thư tổng hợp