Làng La Phù có chuyên sản xuất bánh kẹo, rượu giả?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:53, 24/01/2019

Xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) từ lâu được biết đến là nơi sản xuất nhái nhiều loại bánh kẹo, nước uống nổi tiếng. Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã lên tiếng về việc này.
Bánh kẹo, rượu... sản xuất tại Làng La Phù được chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc - Ảnh: Internet

Gần đến Tết Nguyên đán 2019, làng La Phù lại đang tấp nập phương tiện về thu mua bánh kẹo, đồ uống để chở đi các tỉnh ở phía Bắc. Các thùng bánh kẹo, nước uống được chất kín các cửa hàng, đại lý, thậm chí được bày la liệt ra cả vỉa hè, lấn chiếm lòng đường.

Tại cuộc họp ngày 22.1 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, La Phù là đầu mối phân phối hàng hóa cho miền Bắc chứ không chỉ là nơi chuyên sản xuất hàng giả như bánh kẹo giả, rượu giả, kém chất lượng. Nhiều năm qua, cơ quan quản lý thị trường đã xử lý nhiều vụ nên hộ sản xuất hàng giả chuyển sang hoạt động tinh vi hơn, khó phát hiện hơn.

"Trong thời gian sản xuất kinh doanh hàng giả tiếp tục lan tràn, không phải lực lượng quản lý thị trường và cơ quan chức năng không biết nơi đâu sản xuất hàng giả, thực ra là biết. Tuy nhiên từ biết đến xử lý có triệt để được hay không vẫn còn khó khăn trong kiểm tra xử lý", ông Linh nói thêm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường, hoạt động sản xuất của các hộ ở đây hiện tinh vi, khó phát hiện hơn trước. Nhiều hộ kinh doanh đã chuyển sang đăng ký lên doanh nghiệp, nên để xác định hàng sản xuất có kém chất lượng và là hàng giả hay không thì phải kiểm định tại các trung tâm độc lập.

Nêu ví dụ về hộ làm rượu vang nho siêu tốc, giá rẻ tại Hà Đông chỉ 18.000 đồng/chai vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường nói: "Thực ra ngay từ tháng 1.2018, quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện các sai phạm, nhưng lúc đó chỉ xử phạt vi phạm về tem nhãn. Tháng 12.2018, quản lý thị trường cùng công an quận, phường đã xử phạt hành chính cơ sở này. Tuy nhiên, đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, do phòng kinh tế của quận cấp phép nên giao cho địa phương xem xét xử lý. Việc xác minh rượu vang có phải rượu giả, rượu kém chất lượng hay không cũng không đơn giản bởi phải lấy mẫu, kiểm định ở trung tâm độc lập rồi đợi trả kết quả, nếu vi phạm mới xử phạt được".

Trả lời báo giới về vấn nạn hàng giả, đặc biệt là đồ uống dịp Tết, ông Trần Hữu Linh khẳng định: "Biết nhưng không xử lý triệt để được. Mặc dù trách nhiệm chính trong chống hàng giả là của quản lý thị trường nhưng vẫn phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác".

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2018, lực lượng chức năng đã quyết liệt chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, khởi tố 1.979 vụ việc (tăng 21%) và 2.339 đối tượng (tăng 10%) so với năm 2017. Trong năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 20.123 tỷ đồng; khởi tố 1.979 vụ (tăng 21%), 2.339 đối tượng (tăng 10%) so với năm 2017.

Trong đó nổi bật là lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 6.934 vụ việc; thu nộp ngân sách hơn 200 tỉ đồng; khởi tố hình sự 1.000 vụ, 1.295 đối tượng. Lực lượng hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, xử lý 24.238 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách hơn 2.807 tỉ đồng; khởi tố hình sự 62 vụ. Cơ quan thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 87.248 doanh nghiệp, truy thu về cho ngân sách 16.438 tỉ đồng.

Tuyết Nhung