Gần 19.000 container phế liệu đang tồn lưu tại các cảng biển
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:02, 31/01/2019
Đang lưu giữ 18.861 container
Theo văn bản của Thủ tướng thì trong những năm qua, do thực tế nguồn nguyên liệu, phế liệu trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu của một số ngành sản xuất nên việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất là một nhu cầu thiết thực, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.
Thời gian qua, tại các cảng biển Việt Nam đã xảy ra tình trạng tồn đọng nhiều container phế liệu, tác động xấu đến hoạt động của các ngành sản xuất cũng như làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết các vấn đề bất cập trong nhập khẩu phế liệu, ngày 25.7.2018, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu các bộ và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng tồn đọng hàng hóa tại các cảng biển; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.
Trong đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; đánh giá toàn diện công tác cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan tập trung lực lượng cho thông quan nhanh các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu.
Bộ Công Thương rà soát, áp dụng hoặc đề xuất áp dụng biện pháp tạm ngừng hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam; UBND các tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các làng nghề tái chế phế liệu; cương quyết đình chỉ, không cho phép hoạt động đối với các làng nghề tái chế gây ô nhiễm môi trường.
Bộ Tài chính áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa, không cho dỡ hàng xuống cảng đối với các lô hàng phế liệu khai báo tên người nhận hàng không thuộc danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường…
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết tính đến tháng 12.2018, tổng lượng container có tên khai báo trên Emanifest là phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển gồm 18.861 container. Trong đó, lượng container lưu giữ dưới 30 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu là 7.815 container, lượng container lưu giữ từ 30 - 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu là 1.751 container, cơ quan hải quan đang phối hợp với các hãng tàu để thông báo, mời các doanh nghiệp đến làm thủ tục hải quan theo quy định.
Ba tình huống dẫn đến tồn đọng
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho hay, sự tồn đọng của hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu tại các cảng chứng tỏ nhà nhập khẩu e sợ bị phát hiện vi phạm pháp luật nên không lộ diện và chấp nhận bỏ hàng.
Về nguyên nhân, ông Lập suy đoán 3 tình huống: Thứ nhất, các phế liệu thực chất là chất thải gây ô nhiễm môi trường và dĩ nhiên không đạt chuẩn để tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Do đó, mục đích của các bên liên quan chỉ cốt nhập vào lãnh thổ Việt Nam nhằm trút hay xả thải.
Tình huống thứ hai, các phế liệu này có thể vẫn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất được, tuy nhiên việc sử dụng nó sẽ gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà doanh nghiệp không khắc phục được. Người nhập khẩu hay chủ hàng e ngại sẽ bị phát hiện vi phạm pháp luật và bị xử lý ở khâu sau đó, chứ không phải ngay tại cảng nhập. Do đó, họ đã bỏ hàng.
Tình huống thứ ba, có sự liên đới vi phạm pháp luật giữa cơ quan quản lý về môi trường và nhà nhập khẩu hay chủ hàng bởi vì việc nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được quy định cụ thể để kiểm soát chặt chẽ theo Luật Bảo vệ môi trưòng cũng như Nghị định 38/2015 của Chính phủ và Thông tư 41/2015 của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Ông Lập cho rằng bộ và các sở tài nguyên - môi trường có chức năng kiểm tra để xác nhận các điều kiện cho phép doanh nghiệp Việt Nam được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, rất có thể các điều kiện theo luật định đã không được tuân thủ nghiêm chỉnh theo hướng có sự xem nhẹ hay bao che của cơ quan chức năng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng, ở Việt Nam, quản lý việc nhập khẩu phế liệu rác thải chưa chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng và đưa rác thải về. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện số phế liệu không đảm bảo an toàn, nhiều chủ hàng đã “bỏ của chạy lấy người” do việc xử lý số hàng này rất tốn kém, gấp nhiều lần so với lợi nhuận đưa lại.
“Điều này càng khiến số lượng rác tồn đọng tại các cảng biển với số lượng ngày một lớn, để lại rất nhiều hệ lụy, nguy cơ biến cảng biển Việt Nam trở thành môi trường chứa rác thải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mất diện tích cảng biển, cửa khẩu do phần lớn chứa rác thải. Ngoài ra nó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của quốc gia”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, cơ quan hải quan phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các hàng hóa, trong đó cảnh giác với doanh nghiệp lợi dụng để nhập rác thải phế liệu vào. Bên cạnh đó phải kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong quản lý để cho các doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của pháp luật, lợi dụng sơ hở trong công tác đã cho nhập khẩu rác thải phế liệu không đúng quy định vào cảng biển.
Lam Thanh