Dự kiến các tỉnh phía Bắc sẽ có giá mua điện mặt trời cao nhất cả nước
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:07, 26/02/2019
Bộ Công Thương đang có dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo đó, mô hình hộ tiêu thụ điện là mô hình điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với điểm đấu nối nằm giữa hệ thống đo đếm và hệ thống tiêu thụ. Hệ thống đo đếm sử dụng công tơ hai chiều. Mô hình hộ kinh doanh bán điện là mô hình điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với với điểm đấu nối nằm giữa hệ thống đo đếm và lưới điện của bên mua điện.
Giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo các vùng bức xạ và các loại hình khác nhau của từng dự án điện. Bộ Công Thương cũng phân ra 4 vùng bức xạ trên cả nước, gồm: vùng I (28 tỉnh, thành phố, chủ yếu các tỉnh vùng núi phía Bắc, đồng bằng sồng Hồng và Bắc Trung Bộ vào đến Quảng Bình), vùng II (gồm 6 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và tỉnh Điện Biên), vùng III (23 tỉnh, thành phố) và vùng IV (6 tỉnh, gồm: Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Với 4 loại hình sản xuất điện mặt trời là: dự án điện mặt trời nổi, dự án điện mặt trời mặt đất, dự án điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Dự thảo đưa ra giá mua điện mặt trời cao nhất sẽ là 2.486 đồng/kWh (tương đương 10,87 US Cent/kWh), áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án điện tại Vùng 1 là các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ.
Vùng 4 có giá mua điện rẻ nhất đối với loại hình dự án điện mặt trời mặt đất, ở mức giá 1.525 đồng/kWh (tương đương 6,67 US Cent/kWh).
Dự thảo nêu rõ, việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời nối lưới được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định liên quan khác.
Bên bán điện có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt thiết bị đo đếm điện năng; tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện năng theo đúng quy định của pháp luật về đo lường.
Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại.
Theo kết quả tính toán, nếu Việt Nam có 1 triệu hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái với hệ thống điện 3 kW sẽ thu về 3 triệu kW, tương đương 3.000 MW. Lượng điện này có thể bù đắp được nguy cơ thiếu điện trong bối cảnh nhiệt điện nhận được nhiều cảnh báo.
Bởi vì một nhà máy nhiệt điện than giả sử tạo ra công suất 1.000 MW sẽ có chi phí cố định vào khoảng 2 tỉ USD (số liệu GreenID), nhưng chưa tính đến các chi phí liên quan đến môi trường, giá nguyên liệu đầu vào thay đổi.
Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp lắp đặt, hệ thống điện lắp mái này có giá khoảng 70 triệu đồng/bộ. Với những hộ gia đình sử dụng trên 800 kWh/tháng, mỗi tháng sẽ tiết kiệm được 1,2 triệu đồng, hòa vốn sau 5 năm. Các tấm pin mặt trời có tuổi thọ là 25 năm.
Dự thảo sẽ được Bộ Công Thương lấy ý kiến hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký và áp dụng sau tháng 6.2019.
Tuyết Nhung