LS.Trần Minh Hùng: Dân giám sát trạm BOT là điều đáng mừng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:57, 04/03/2019
Vài ngày nay có một nhóm khoảng 10 người thay phiên nhau ngồi tại trạm BOT Ninh Lộc để kiểm đếm lượt xe qua lại cả 2 chiều. Theo những người này, mục đích của việc kiểm đếm lượt xe là để minh bạch con số cụ thể lượt phương tiện qua trạm và thực thu của BOT.
“Chúng tôi nghi họ báo cáo không đúng lượt phương tiện qua trạm và số tiền thu được hàng ngày, hàng tháng lên Bộ GTVT nhằm nâng thời hạn thu phí. Chúng tôi chỉ ngồi đếm lượt xe, không quậy phá gì”, một người ngồi đếm lượt xe nói.
Nhóm này sẽ kiểm đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc trong thời gian một tuần, từ ngày 26.2 đến 4.3. Các thành viên trong nhóm chủ yếu là tài xế và người dân sống tại TP.Nha Trang và quanh khu vực trạm BOT Ninh Lộc.
Tuy nhiên, đại diện trạm BOT Ninh Lộc là ông Vũ Hải Long - Phó giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả Khánh Hòa lại cho rằng, việc người dân giám sát như thế ảnh hưởng đến an ninh trật tự của trạm, tâm lý nhân viên, tâm lý lái xe và an toàn giao thông khu vực trạm.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, LS.Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng. Theo đó, sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư BOT không quy định cụ thể người dân có quyền giám sát BOT hay không. Tuy nhiên, công dân có quyền được làm những gì pháp luật không cấm là điều đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp.
Ông Hùng cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Cùng với đó, theo quy định tại Điều 28: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở,địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Như vậy, LS.Hùng cho rằng việc người dân giám sát BOT không những không hề vi phạm pháp luật mà họ còn đang thực hiện quyền của một công dân. Đồng thời xét về việc giám sát, công dân là người có quyền giám sát cao nhất trong mọi hoạt động tư pháp, hành chính, kinh tế; quyền giám sát của các hoạt động cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, không có bất kì cơ quan hay người có thẩm quyền nào có quyền ngăn cấm quyền của công dân, trừ trường hợp đó là hành vi pháp luật cấm.
Ông Hùng cho hay, hầu như trước đây dân rất ít quan tâm đến các hoạt động của nhà nước, nhất là trong hoạt động tham gia đóng góp ý kiến và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng, nếu có thì cũng không có hoạt động cụ thể. Vì vậy việc người dân tiến hành giám sát BOT độc lập với cơ quan chức năng là một điều đáng mừng.
“Điều này thể hiện sự quan tâm của công dân đối với đất nước, nhất là với tình hình hoạt động của các dự án BOT ngày càng có nhiều điều bất cập trong việc tổ chức xây dựng và hoạt động, tổ chức mức phí thu, thời gian thu… không được công khai và minh bạch một cách rõ ràng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc cho người dân”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, việc giám sát của người dân mặt khác cũng là một phương pháp giúp cơ quan nhà nước chú ý hơn vào việc quản lý các trạm BOT mà trước đây có sự quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng lạm dụng các của chủ đầu tư, như việc gian lận trong thu phí BOT.
Tuy nhiên, trong quá trình giám sát hoạt động, người dân chỉ nên làm những gì pháp luật không cấm, tránh những hành vi vi phạm pháp luật như lấn chiếm đất, lề đường... bởi vì các hoạt động gây cản trở hoạt động giao thông như gây ùn tắc, hay là các hoạt động làm cản trở các trạm BOT, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cần tránh sự xung đột với các nhân viên thu phí…
Trả lời báo chí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay do nhóm người dân ngồi tại trạm không hề gây cản trở gì tới hoạt động thu phí nên đơn vị chưa có biện pháp can thiệp. Trường hợp có hành động gây rối, gây khó dễ tới hoạt động thu phí, gây mất trật tự tại khu vực trạm thì Tổng cục sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc xử lý.
BOT đang có nhiều vấn đề bất cập
Theo LS.Nguyễn Thanh Hà từ Công ty Luật SBLaw, những sự việc xảy ra tại các dự án BOT thời gian gần đây liên quan đến thái độ phản đối việc thu phí của người dân và hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm triển khai, vận hành dự án đầu tư đã phản ánh hoạt động kinh doanh công trình của doanh nghiệp dự án đang có vấn đề.
“Vấn đề ở đây là các dự án hầu hết được chỉ định thầu, nhiều công trình chưa thật sự cấp thiết song đã được lập dự án, đầu tư ồ ạt theo phong trào. Cơ quan chủ quản không xây dựng được một kế hoạch bài bản, trong khi lẽ ra BOT phải dành cho những dự án có tính chất liên vùng để tăng hiệu quả đầu tư. Cơ chế sàng lọc lỏng lẻo đã để lọt nhiều nhà đầu tư BOT yếu kém cả về năng lực tài chính lẫn thi công”, ông nói.
Ông Hà cũng cho rằng việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao, nhiều thông tin, dữ liệu về dự án không được công khai, dễ tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, lạm dụng. Việc triển khai thu phí của nhà đầu tư tỏ ra thiếu hợp lý và một số có những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Hoàn toàn có khả năng xảy ra trường hợp nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền được kinh doanh công trình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm tư lợi. Nhiều dự án, chủ đầu tư dùng đủ mọi cách để gian lận, đặc biệt trong việc thu phí thực tế và con số báo cáo lên cơ quan chức năng, gây ra tình trạng số thu cao nhưng báo cáo thấp, kéo dài thời gian thu phí nhằm hưởng lợi”, ông nói thêm.
Luật sư này nhấn mạnh: “Việc người dân bức xúc với các dự án BOT một phần xuất phát từ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan có liên quan. Việc chỉ định thầu BOT chính là mảnh đất mầu mỡ cho các nhóm lợi ích tận dụng đề thực hiện dẫn đến nhiều bất cập”, ông Hà nhấn mạnh.
Lam Thanh