Vì sao nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại công ty tài chính Việt đang thua lỗ?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:23, 01/03/2019

Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra 3 lý do lý giải về việc các công ty tài chính Việt Nam, dù đang thua lỗ, vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam đã về tay Công ty Shinhan Card - Ảnh: TL

Như Một Thế Giới đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hồi trung tuần tháng 2 cho biết đang xem xét đề nghị của Công ty TNHH Srisawad Corporation (100% vốn Thái Lan, trụ sở tại Bangkok, công ty con của tập đoàn tài chính International Holding) về việc họ muốn tham gia cơ cấu lại Công ty cho thuê tài chính I của Agribank (ALC I).

Đáng lưu ý là tính tới cuối năm 2017, ALC I đang lỗ lũy kế hơn 714 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu là 437 tỉ đồng. Nợ phải trả là 394 tỉ đồng, trong đó nợ lãi chiếm gần 48%. Theo biên bản ghi nhớ do 2 bên ký kết thì Srisawad Corporation sẽ kế thừa toàn bộ công nợ tại thời điểm ký.

Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vài ngày trước, Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Aeon (AFS, Nhật Bản) đã bày tỏ mong muốn mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính nước ngoài, hoặc các công ty tài chính có cổ phần của Nhà nước...

Vì sao các công ty tài chính Việt Nam, ngay cả đang thua lỗ nặng như ALC I, lại trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại đến vậy? Trả lời trên CafeF, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực đưa ra 3 lý do:

Thứ nhất là tiềm năng phát triển tài chính tiêu dùng của Việt Nam còn rất lớn. Hiện tổng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chiếm khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu bóc tách rõ ràng phần tín dụng liên quan đến nhà ở thì thực chất, tín dụng tiêu dùng cũng chỉ tương đương khoảng 12% trong tổng dư nợ nền kinh tế, so với tỉ lệ 34% trong khối ASEAN. Rõ ràng, lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Thứ hai là giá mua hiện khá phù hợp, tương đối hấp dẫn vì chỉ số P/E (Price to Earning Ratio, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) tại Việt Nam đã được điều chỉnh khoảng 13-14 lần.

Thứ ba là khoản đầu tư mua các công ty tài chính đó không quá lớn, phù hợp với chiến lược mang tính chất thăm dò, thâm nhập thị trường của các tổ chức nước ngoài.

Về trường hợp công ty cho thuê tài chính của Agribank, dù thua lỗ vẫn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, ông Lực đưa ra lý do là giá mua không quá cao, tương đối phù hợp.

Vẫn theo ông Lực, cách được ưa chuộng nhất khi các tập đoàn nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường tài chính Việt Nam là mua đứt các công ty tài chính, chứ không phải là thành lập một công ty mới. Bởi vì việc thành lập một công ty tài chính mới ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn về pháp lý và thủ tục. Trong khi mức giá để mua các công ty tài chính, theo ông Lực quan sát thời gian qua, cũng khá phù hợp. Do đó, việc mua đứt các công ty tài chính, dù thua lỗ vẫn tốt hơn là phải thay vì phải bỏ ra nhiều tiền và mất nhiều thời gian làm thủ tục thành lập mới. Chính phủ Việt Nam cũng rất hoan nghênh sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực này.

Thực chất, xu hướng mua lại các công ty tài chính để thâm nhập thị trường Việt Nam đã diễn ra trong 3 năm gần đây. Khoảng trung tuần tháng 1.2019, NHNN đã chấp thuận việc mua bán, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Prudential Holborn Life Limited tại Công ty TNHH MTV tài chính Prudential Việt Nam cho Công ty Shinhan Card.

Thương vụ M&A này được công bố vào đầu năm 2018. Giá trị thương vụ có thể được xem xét ở mức 151 triệu USD, tương đương 3.420 tỉ đồng, tức gấp 5,52 lần mức vốn điều lệ (616,2 tỉ đồng). Shinhan Card hiện là công ty thẻ tín dụng rất lớn của Hàn Quốc, thuộc ngân hàng Shinhan.

Cuối năm 2018, một tập đoàn Hàn Quốc khác là Lotte đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để mua lại TechcomFinance (thuộc Techcombank). Giá trị của thương vụ này khoảng 87,5 tỷ won, tương đương 1.700 tỉ đồng. Hay như HDBank cũng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Ngân hàng Shinsei cũng của Nhật Bản, vào tháng 9.2017 đã mua lại 49% vốn của Công ty Tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng Quân đội (MB)...

Bên cạnh đó, ngân hàng Việt Nam cũng xem xét việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty tài chính trực thuộc. Chẳng hạn, lãnh đạo SHB từng cho biết kể từ khi công bố thành lập công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance, vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, đã có rất nhiều đối tác từ châu Âu, Mỹ, Nhật đặt vấn đề tham gia mua cổ phần và HĐQT ngân hàng này đang cân nhắc lựa chọn một nhà đầu tư đến từ châu Âu làm đối tác chiến lược.

Sự đổ bộ ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài dự báo sẽ mang đến cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn trong mảng tài chính tiêu dùng, sân chơi vốn đang được các công ty tài chính như FE Credit (thuộc VPBank), Home Credit, HD Saison... chiếm lĩnh.

Một chuyên gia ngân hàng khác - TS. Đinh Thế Hiển cũng nhận định, tín dụng tiêu dùng sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới, khi người tiêu dùng đã bắt đầu quen và nhận ra những lợi ích thiết thực của hình thức này.

Theo số liệu từ NHNN, nhóm các công ty tài chính đang dẫn đầu về khả năng sinh lời. Tại thời điểm hết quý 3/2018 (số liệu mới nhất), chỉ số ROA (Return on total assets - tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (Return on common equity - tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của các công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt 3,02% và 13,83%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng.

A.T.T tổng hợp