Đến lượt hải quan triển khai không nộp thuế, phí bằng tiền mặt

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:19, 11/03/2019

Không chỉ việc nộp thuế xuất nhập khẩu mà việc thu nộp phí và lệ phí hải quan cũng không được sử dụng tiền mặt, thay vào đó phải thu, nộp qua tổ chức tín dụng (như ngân hàng thương mại). Quy định này sẽ được triển khai thực hiện từ ngày 1.4.2019.
Ảnh minh họa từ Internet

HQ Online tuần qua đưa tin, Tổng cục Hải quan đã có công văn yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố, kể từ ngày 1.4 hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nộp các khoản vào ngân sách nhà nước bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản), hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại, để chuyển nộp vào tài khoản của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước.

Cụ thể, tất cả đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại nếu có hoạt động xuất nhập khẩu và phát sinh các khoản nộp ngân sách nhà nước thì phải thực hiện nộp các khoản vào ngân sách nhà nước (bao gồm tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí và các khoản thu khác) bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản) hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại, để chuyển nộp vào tài khoản của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, đối với các hộ kinh doanh cá thể, cá nhân nếu có hoạt động xuất nhập khẩu và phát sinh các khoản nộp ngân sách nhà nước thì không chịu sự điều chỉnh của Thông tư 136/2018/TT-BTC, ban hành ngày 28.12.2018 Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2017/TT-BTC ngày 15.2.2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Theo đó, không chỉ việc nộp thuế xuất nhập khẩu, mà việc thu nộp phí và lệ phí hải quan cũng không được sử dụng tiền mặt và phải thu, nộp qua tổ chức tín dụng.

Liên quan đến vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, vào đầu tháng 1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP 2019 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến 2021.

Trong đó, Chính phủ có yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phải phối hợp ngân hàng để thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Các nhiệm vụ này phải được hoàn thành trước tháng 12.2019.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước yêu trước quý 3/2019, phải báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Yêu cầu các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR Code.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch về bất động sản.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tại thời điểm Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực (26.3.2013), tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt là 12,01% và đến nay là 11,49%. Trong khi tại cùng thời điểm đó, tổng phương tiện thanh toán đã tăng hơn 234%.

Những con số này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam không có sự tăng trưởng đồng đều so với tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán.

Nguyên nhân là đa số người dân vẫn thói quen tiêu dùng tiền mặt, chưa quen với việc sử dụng công nghệ thanh toán mới. Họ lo sợ thanh toán điện tử không an toàn, không kiểm soát được phí phát sinh thẻ tín dụng khi để nợ quá hạn (vì phí thẻ cao)... Bên cạnh đó, người bán sản phẩm, dịch vụ hay các cửa hàng nhỏ cũng không có thói quen thanh toán điện tử.

A.T.T