Việt Nam thu hẹp khoảng cách lương với các quốc gia Đông Nam Á

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:57, 10/03/2019

Có một tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đang thu hẹp khoảng chênh lệch lương với Singapore và Indonesia, trừ cấp bậc chuyên viên.
Ảnh minh họa từ Internet

JobStreet.com, một công cụ tìm kiếm việc làm, mới đây đã công bố khảo sát được kết hợp dữ liệu lương của 6 tháng đầu năm 2018 thông qua việc thống kê mức lương thực tế dựa trên 40.000 mẩu tin tuyển dụng và 40 chuyên ngành trong 50 lĩnh vực hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, khi so sánh với một số quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, có một tín hiệu đáng mừng là Việt Nam đang thu hẹp khoảng chênh lệch lương với Singapore và Indonesia (trừ cấp bậc chuyên viên).

Đối với các vị trí nhân viên, nhà tuyển dụng Malaysia đang đề nghị mức lương cao hơn Việt Nam so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên với các vị trí quản lý/ trưởng phòng và quản lý cấp cao, Việt Nam ghi nhận mức tăng lương đáng kể (quản lý/ trưởng phòng tăng 7%, quản lý cấp cao tăng 30%) do nhu cầu tăng cao, vì vậy khoảng chênh lệch lương tại các cấp bậc này so với Malaysia đã thu hẹp hơn so với năm 2017.

Tuy nhiên có một điều ngạc nhiên đến từ quốc gia láng giềng - Thái Lan, đó là sự gia tăng khoảng chênh lệch lương so với Việt Nam ở tất cả các cấp bậc so với năm (2017).

Nhìn chung, năng suất lao động toàn nền kinh tế trong năm 2018 là 102 triệu đồng/lao động, tăng tương đương 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017, theo Bộ KH-ĐT Việt Nam. Mức lương tối thiểu của Việt Nam được ghi nhận tăng lên ở cả 4 cấp bậc vị trí và rút ngắn khoảng chênh lệch so với Singapore (quốc gia có thu nhập trung bình cao nhất khu vực) và tăng trưởng vượt trội so với Indonesia (quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhất khu vực).

Thông tin trên giúp cho các nhà tuyển dụng cân nhắc chiến lược tiền lương để giữ chân nhân tài và săn đón ứng viên chất lượng, bao gồm cả người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần không ngừng cải thiện kiến thức và kỹ năng để nắm bắt cơ hội việc làm không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các quốc gia Đông Nam Á khác.

Dựa trên bảng Báo cáo lương 6 tháng đầu năm 2018 của Jobstreet, có thể kết luận rằng nhà tuyển dụng đang sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn để tuyển được những ứng viên tài năng, đặc biệt ở cấp bậc quản lý cấp cao với mức lương lên đến 3.564 USD. Mặt khác, ở cấp bậc chuyên viên, mặc dù nhu cầu nhân sự vẫn cao nhưng khoảng lương đề nghị từ các công ty lại giảm so với năm 2017, dẫn đến việc tuyển dụng vị trí này trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, dù khoảng lương ở Việt Nam đã rút ngắn so với Singapore và vượt hơn Indonesia nhưng khoảng cách lương với các quốc gia phát triển trong khu vực vẫn là điểm thu hút lớn đối với những ứng viên đang có mong muốn làm việc tại nước ngoài. Vậy thì chiến lược trọng điểm để giữ chân và tuyển dụng nhân tài là gì? Đầu tiên là nhà tuyển dụng cần phải tiếp cận ứng viên một cách hiệu quả trong bối cảnh đang có sự gia tăng các hoạt động của thị trường việc làm thông qua các cổng thông tin việc làm trực tuyến so với năm 2017.

Thứ hai là bên cạnh lương, nhà tuyển dụng nên tạo ra thế mạnh bằng việc cung cấp cho người lao động Việt Nam những lợi ích khác đang được ứng viên mong đợi như: chăm sóc y tế cho gia đình (47%), hỗ trợ di chuyển (46%) và trợ cấp thuê/ mướn nhà ở (40%).

Về ứng viên, sự gia tăng của các công ty nước ngoài, công ty khởi nghiệp và sự chuyển đổi đến từ công nghệ 4.0 đã và đang mở ra cho ứng viên nhiều lựa chọn việc làm hơn trước đây. Tất nhiên, khoảng lương và phúc lợi sẽ cao hơn nhưng đồng thời mức độ cạnh tranh để gia nhập công ty với chính sách tốt cũng khắc nghiệt không kém. Lĩnh vực dịch vụ luật/pháp lý, bất động sản và công nghệ thông tin/ máy tính là một trong những ngành nghề đang được trả lương cao nhất.

Trên thực tế, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên nhưng vẫn có tới 47,95% nhà tuyển dụng được khảo sát trả lời đồng ý rằng thật khó để tuyển được những ứng cử viên có kỹ năng phù hợp.

Vậy, làm thế nào để nắm bắt cơ hội và đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng ở cả thị trường Việt Nam và khu vực? Tiếng Anh sẽ là điều bắt buộc cùng với việc học thêm những kiến thức và kỹ năng mới để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin. Đồng thời ứng viên phải luôn luôn cập nhật và tham khảo thông tin thị trường để chắc chắn rằng bản thân sẽ vẫn phù hợp với những thay đổi về yêu cầu từ nhà tuyển dụng.

A.Thư