Thời điểm 'vàng' để gỡ thẻ vàng thủy sản
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:40, 13/12/2023
Thời điểm 'vàng' để gỡ thẻ vàng thủy sản
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ nay đến ngày 30.4.2024 là thời điểm "vàng" để gỡ được thẻ vàng sớm nhất, trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu, nếu không thì có thể phải mất vài năm mới làm được việc này.
Tại cuộc họp lần thứ 8 Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo mở đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) với nỗ lực cao nhất là sớm gỡ được thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Nghị định 26/NĐ-CP và Thông tư số 13/TT-BNNPTNT để thực hiện các khuyến nghị của EC; tổ chức truyền thông về nội dung sửa đổi, bổ sung của các văn bản nêu trên, trong đó có quy định phạt nguội các hành vi vi phạm.
Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm truy xuất nguồn gốc.
Các địa phương quán triệt tinh thần xử lý nghiêm vi phạm; việc gì chưa làm thì sớm bắt tay vào làm, việc gì làm rồi thì tích cực hơn; phải thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt bằng những kết quả cụ thể.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến ngày 30.4.2024 là thời điểm "vàng" để gỡ được thẻ vàng sớm nhất, trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu, nếu không có thể phải mất vài năm mới làm được việc này.
Sau đợt thanh tra thứ 4, EC khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối VMS sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế.
Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm tất cả các tàu đã hủy đăng ký không được phép hoạt động khai thác; bảo đảm tính chính xác thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase và theo dõi, đôn đốc địa phương thực hiện việc cập nhật; duy trì việc cấm đăng ký tàu mới; kiểm soát chặt chẽ tàu cá "3 không"…
Ngoài ra, bảo đảm tất cả các tàu phải được đánh dấu, kẻ số đăng ký đúng quy định, kể cả tàu đang sửa chữa hoặc được thông báo là không hoạt động; tàu không đủ điều kiện hoạt động phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ; quản lý chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thuỷ sản; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt nghiêm và thống nhất hành vi vi phạm về VMS.
Trước đó, ngày 1.12, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP28 tại UAE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen.
Thủ tướng mong EC có tiếng nói tích cực để các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); đề nghị EC xem xét sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tính đến quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai nghiêm túc các khuyến nghị của EC về phát triển nghề cá bền vững.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của EU và EC, hoan nghênh hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, điển hình là việc triển khai JETP.
Bà Ursula von der Leyen chia sẻ tích cực đề nghị của Việt Nam về Hiệp định EVIPA, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và mong vấn đề sớm được giải quyết trong thời gian tới.