Tết Giáp Thìn 2024: Lần đầu tiên TP.HCM có quy chế thực hiện bình ổn thị trường

Sự kiện - Ngày đăng : 18:39, 14/12/2023

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đã cho biết như thế về chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vào chiều nay (14.12).
Sự kiện

Tết Giáp Thìn 2024: Lần đầu tiên TP.HCM có quy chế thực hiện bình ổn thị trường

Hồ Quang {Ngày xuất bản}

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đã cho biết như thế về chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vào chiều nay (14.12).

45 doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn hàng hóa Tết

Đề cập đến công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn TP.HCM, ông Phương cho biết TP đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là chương trình bình ổn thị trường.

tet-giap-thin-2024-lan0dau-tienptphcm-co-quy-che-thuc-hien-binh-on-thi-truong-hinh-anh(1).png
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ về tình hình hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 vào chiều 14.12 - Ảnh: PV

“Năm 2023 này là năm đầu tiên, sau 21 năm chương trình bình ổn thị trường có quy chế. Trước đây, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường với nhau trên cơ sở thống nhất hướng dẫn chung của Sở Công Thương. Nhờ ban hành quy chế của chương trình bình ổn thị trường nên việc kiểm tra thực hiện được bài bản, nghiêm túc hơn”, ông Phương cho biết.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, năm nay số DN tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết tăng lên với 45 DN lương thực, thực phẩm tham gia. Đây là các đơn vị đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, từ sản xuất, lưu thông đến phân phối và các DN quy mô lớn, DN mạnh…

Hiện các DN bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ 2 tháng Tết Giáp Thìn 2024, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường.

Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 11.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Tại 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống, lượng nông sản cung ứng thị trường TP thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày.

Đối với kênh phân phối hiện đại, hiện nay trên địa bàn TP có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP hiện đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2 - 3 lần so với ngày thường đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng.

“DN sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)… kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống”, ông Phương nhấn mạnh.

Giá cả hàng hóa sẽ không tăng trước và sau Tết

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm, TP sẽ triếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát…; chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Các DN sẽ đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo.

Ông Lê Trường Sơn - Phó tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết để phục vụ hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đơn vị này đã dành 10.000 tỷ đồng để dự trữ 9 nhóm hàng thiết yếu, gồm gạo, đường, đầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Phần còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phí thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng có nhiều chương trình kích cầu, mua sắm Tết như: thực hiện giảm giá trực tiếp từ 50% đến 100% cho 10.000 sản phẩm phục vụ Tết; chương trình Tết kéo dài liên tục 59 ngày; luân phiên giảm giá mạnh theo thứ tự ưu tiên… Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Saigon Co.op dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp như ưu tiên mua hàng giảm giá, tổ chức siêu thị 0 đồng và hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất bán với giá vốn.

Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết, ông Lê Minh Hải - Phó Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, đơn vị này sẽ lập 11 đoàn kiểm tra để triển khai 2 nội dung, một là đẩy mạnh truyền thông từ người tiêu dùng đến người sản xuất kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, hai là kiểm tra hàng hóa trên địa bàn.

Các quận huyện sẽ kiểm tra trên địa bàn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra giám sát chặt chẽ tại 3 chợ đầu mối, kiểm tra, giám sát công tác kinh doanh; tập trung kiểm tra tại các quận huyện về những sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như: bia rượu, thịt cá, bánh kẹo. Đồng thời, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường để kiểm tra, ngăn chặn hàng gian, hàng giả.

Hồ Quang