Nghiên cứu khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản trị đô thị đặc biệt TP.HCM
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:00, 15/12/2023
Nghiên cứu khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản trị đô thị đặc biệt TP.HCM
Ngày 15.12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thứ 3, Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 và họp Tổ chuyên gia tư vấn xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 sắp tới, ông Phan Văn Mãi cho rằng, trong năm 2024 cần tập trung nhóm các đề án, dự án, công trình cụ thể. Nếu những dự án, công trình lớn được triển khai thành công thì sẽ có sức thuyết phục rất lớn.
Đối với đề án đường sắt đô thị cần kiên trì lộ trình như đã bàn, còn nhiều vấn đề khác như cơ chế tài chính, cơ chế phát triển công nghiệp phụ trợ ra sao, cơ chế tổ chức quản lý như thế nào, quy trình phát triển ra sao… cùng làm đồng thời, song song sẽ đảm bảo được tiến độ.
Hay Trung tâm tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng đang là nhiệm vụ rất lớn, nhưng nếu làm được sẽ có sức thuyết phục cao. Theo ông Mãi, đây là 3 việc cụ thể phải nhắm tới, đó là chủ trương chính trị từ Bộ Chính trị, sẽ có được khung pháp lý của Quốc hội trong năm 2024 để làm nền tảng triển khai cho những năm tiếp theo.
Ông Mãi đề nghị phải tập trung hoàn thiện đề án nền công vụ TP.HCM. TP muốn lấy nền công vụ của Singapore như một kinh nghiệm quốc tế để tham khảo nhằm chuẩn hóa về mặt quy trình, tổ chức bộ máy, đội ngũ, chuyển đổi số; từ đó tổ chức thực hiện, giám sát, điều chỉnh để hoạt động công vụ TP.HCM thời gian tới tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, có chất lượng tốt phục vụ sự phát triển kinh tế TP.
"Năm 2024 sẽ tập trung hoàn thiện đề án này để tổ chức triển khai, tất nhiên đi liền là đào tạo và nhiều việc khác chuẩn bị để làm", ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, từ năm tới cũng bắt đầu khởi động nghiên cứu một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản trị đô thị đặc biệt TP.HCM. Hiện TP đã có Nghị quyết 98 nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần và đang chờ đợi khung pháp lý. Nếu tập trung trong năm 2024, trong năm 2025, thì sau 3 năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 98 có thể phát triển lên ở một khung pháp lý đủ lớn để quản trị đô thị đặc biệt TP.HCM.
Tại phiên họp, các chuyên gia, thành viên Hội đồng đã thảo luận, góp ý nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết 98 và đề án nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2035, TP.HCM sẽ hoàn thành xây dựng 200km đường sắt đô thị.
Đối với đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, ông Mãi đặt mục tiêu đầu năm 2024 sẽ hoàn thành các bước thông qua ở TP.HCM, từ đó báo cáo Bộ Chính trị để có sự ủng hộ và lãnh đạo. Đây là cơ sở chính trị để TP tiếp tục triển khai các bước pháp lý phía sau như trình Chính phủ, Quốc hội...
Trình bày dự thảo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, mục tiêu thực hiện 200km metro đến năm 2035 là hoàn toàn khả thi nếu tiếp cận theo tư duy mới, cách đi mới thực sự đột phá trên cơ sở những bài học kinh nghiệm bất thành trong nước và trên thế giới, cũng như được thực hiện trên một khung pháp lý mới.
Đề án cũng đề xuất 6 cơ chế đặc thù để hiện thực hóa mục tiêu trên. Trong đó, có các cơ chế về quy hoạch, đền bù thu hồi đất, cơ chế tài chính, quản lý dự án đầu tư…
Trong đó, đề xuất cho TP.HCM lập và phê duyệt quy hoạch 1/500 hệ thống metro theo khu vực nhà ga TOD làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD, tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro.
Đề xuất Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 1 dự án hệ thống đường sắt đô thị tổng chiều dài khoảng 200km kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị khu vực TOD theo quy hoạch, hoàn thành trong năm 2035 và phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM quyết định các vấn đề liên quan…
Với các giải pháp trên, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng sẽ giúp TP.HCM hoàn thành mục tiêu 200km đường sắt đô thị vào năm 2035 và tiết kiệm khoảng hơn 10 tỉ USD tổng mức đầu tư so với cách làm hiện nay.