Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn cùng kỳ 2018
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:00, 29/03/2019
GDP quý 1 tăng 6,79%
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018.
Ngành khai khoáng quý I năm nay tăng trưởng âm (giảm 2,2%), làm giảm 0,15 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,3% và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%. Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm nay duy trì mức tăng trưởng khá với 6,68%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,25%; khu vực dịch vụ chiếm 44,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,55% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 10,35%; 35,31%; 43,72%; 10,62%).
Trên góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 6,2%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,7%.
CPI bình quân quý 1 tăng 2,63%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2019 giảm 0,21% so với tháng trước, bình quân quý I/2019 CPI tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Nguyên nhân chủ yếu do tác động của quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là nhờ sự chủ động điều hành giá xăng dầu, kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Theo thống kê, 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,42% làm CPI chung giảm 0,51%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Nhóm hàng giảm gồm: may mặc, mũ nón, giày dép; văn hóa giải trí và du lịch; đồ uống và thuốc lá; bưu chính viễn thông. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: Giao thông tăng do tác động của điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm ngày 2.3.2019 (tác động làm CPI tăng 0,23%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng chủ yếu do giá gas trong tháng; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.
CPI bình quân quý 1/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
CPI quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu như nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong những tháng đầu năm tăng lên so với cùng kỳ năm trước, Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,75%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,85% (tác động làm CPI chung tăng 0,03%); giá nhóm du lịch trọn gói tăng 5,2% và một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt, thép...
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI quý I/2019, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI như giá xăng dầu được điều chỉnh giảm làm chỉ số giá xăng dầu giảm 8,22%; Giá gas điều chỉnh theo giá thế giới làm giá gas trong nước giảm 2,15%; Giá nhóm giáo dục điều chỉnh giảm mức thu học phí theo Nghị quyết số 25/2018/NQ-HĐND góp phần làm CPI chung giảm 0,55%.
Lạm phát cơ bản tháng 3.2019 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2019 tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3.2019 giảm 0,49% so với tháng trước; tăng 3,3% so với tháng 12.2018 và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3.2019 tăng 0,05% so với tháng trước; giảm 0,44% so với tháng 12.2018 và tăng 2,02% so với cùng kỳ năm 2018.
Lam Thanh