Ngủ ngáy coi chừng mắc căn bệnh cực hiếm với tỷ lệ 1/2,5 triệu người

Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:40, 16/12/2023

Theo các chuyên gia y tế, những người bị thoát vị thanh quản thể trong sẽ bị khàn tiếng, đặc biệt là ngáy khi ngủ hoặc cũng có thể cảm thấy khó thở. Đây là một căn bệnh rất hiếm với tỷ lệ mắc 1/2,5 triệu người.
Thông tin Y học

Ngủ ngáy coi chừng mắc căn bệnh cực hiếm với tỷ lệ 1/2,5 triệu người

Hồ Quang 16/12/2023 14:40

Theo các chuyên gia y tế, những người bị thoát vị thanh quản thể trong sẽ bị khàn tiếng, đặc biệt là ngáy khi ngủ hoặc cũng có thể cảm thấy khó thở. Đây là một căn bệnh rất hiếm với tỷ lệ mắc 1/2,5 triệu người.

Chia sẻ tại Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên năm 2023 của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vào sáng nay (16.12), bác sĩ Thái Hữu Dũng cho biết, ông và ê-kíp đã tiếp nhận và phẫu thuật một trường hợp bị thoát vị thanh quản. Đây là một căn bệnh cực kỳ hiếm của thanh quản, có tỷ lệ mắc 1/2,5 triệu người.

ngu-ngay-coi-chung-mac-phai-can-benh-cuc-hiem-1(1).png
Ngủ ngáy có nguy cơ mắc phải căn bệnh thoát vị thanh quản thể trong, một căn bệnh cực hiếm - Ảnh minh họa

Bệnh nhân này là một phụ nữ 57 tuổi, đến khám trong tình trạng nổi một khối u ở vùng cổ trái khoảng 1 năm qua, có kích thước khối phồng cổ trái khoảng 4x4cm. Khối phồng này sẽ to lên khi ho, gây khàn tiếng.

Qua nội soi, các bác sĩ ghi nhận phồng băng thanh thất bên trái, che lấp dây thanh nên rất khó đánh giá. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT Scan và các bác sĩ xác định một tổn thương nằm vắt ngang màng giáp mỏng bên trái, kích thước lớn nhất là 45mm, vách dày có dấu viêm xung quanh. Bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị thanh quản thể hỗn hợp.

Theo bác sĩ Dũng, thoát vị thanh quản là tình trạng giãn nở nang bất thường của túi thanh quản. Túi này thông với lòng thanh quản và chứa không khí. Bệnh thoát vị thanh quản được chia thành 3 thể gồm: bên trong thanh quản, bên ngoài thanh quản và hỗn hợp. Đây là một bệnh lý hiếm gặp của thanh quản, có tỷ lệ mắc là 1/2,5 triệu người, phổ biến ở nam gấp 5 lần so với nữ, độ tuổi trung bình mắc phải căn bệnh này khoảng 50 - 60 tuổi. Một số nghiên cứu ghi nhận thoát vị thanh quản do u ác tính chiếm tỷ lệ 10%.

Triệu chứng thường gặp của thoát vị thanh quản thường thay đổi theo thể thoát vị. Trong trường hợp trên, bệnh nhân bị thoát vị thanh quản thể hỗn hợp sẽ có triệu chứng là có khối u vùng cổ, có hoặc không có triệu chứng thanh quản.

“Nếu bệnh nhân bị thoát vị thanh quản thể trong sẽ có triệu chứng ngủ ngáy, khàn tiếng và có thể gây khó thở. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể có cảm giác vướng họng, đau họng và ho”, bác sĩ Dũng cho biết.

Để xử lý tình trạng bệnh nhân mắc bệnh thoát vị thanh quản, bác sĩ Dũng cho biết bệnh nhân cần phải phẫu thuật cắt bỏ khối thoát vị. Tùy thuộc vào vị trí và thể thoát vị mà bác sĩ lựa chọn đường tiếp cận để điều trị.

“Trước đây, phẫu thuật đường ngoài là lựa chọn cho các thể thoát vị. Nhưng trong 2 thập kỷ gần đây, phẫu thuật nội soi vi phẫu và laser CO2 đã trở nên phổ biến trong điều trị thoát vị thanh quản thể bên trong và thể hỗn hợp. Hầu hết thể thoát vị bên ngoài đều được mở cạnh cổ để cắt bỏ khối thoát vị. Phương pháp phẫu thuật này thường bộc lộ được khối thoát vị tốt, độ chính xác và tỷ lệ tái phát thấp nhưng lại để sẹo trên da, thời gian phẫu thuật dài và nằm viện lâu.

Trong 3 phương pháp cắt bỏ túi thoát vị đường ngoài gồm: mở màng giáp mỏng, cắt bỏ tuyến giáp với 1/3 trên sụn tuyến giáp và cắt bỏ tuyến giáp hình chữ V thì phương pháp mở màng giáp mỏng được sử dụng nhiều nhất. Thoát vị thanh quản thể hỗn hợp, nếu tiếp cận bằng đường trong họng, khi khối bên trong đã được kiểm soát, có thể lay động và kéo khối bên ngoài vào trong thanh quản để lấy trọn khối thoát vị bằng laser và vi phẫu thanh quản”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Hồ Quang