Các đại án được đưa ra xét xử trong năm 2023
Sự kiện - Ngày đăng : 17:30, 16/12/2023
Các đại án được đưa ra xét xử trong năm 2023
Trong năm 2023, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Một Thế Giới sẽ điểm lại 3 vụ án lớn đã được đưa ra xét xử sơ thẩm trong năm 2023.
Vụ án “chuyến bay giải cứu”
Chiều 28.7.2023, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tiến hành tuyên bản án sơ thẩm đối với 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Theo đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Cùng tội danh, Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) và Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) nhận án tù chung thân.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) bị HĐXX tuyên phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo còn lại bị HĐXX tuyên phạt mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
Theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan ban ngành. Ngoài ra, hành vi của các bị cáo còn lợi dụng chính sách nhân đạo của nhà nước để mang lại lợi ích cho cá nhân.
HĐXX nhận định hành vi nhận hối lộ xảy ra ở nhiều địa phương, bộ ngành khác nhau cho thấy các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định công vụ, nhận tiền từ các đại diện doanh nghiệp, gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong vụ án này, HĐXX cho rằng có nhiều bị cáo giữ chức vụ cao và quan trọng trong các bộ, ngành nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, ông Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dịch COVID-19, ký văn bản xin ý kiến 4 bộ (Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch trên.
Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5.2020 - tháng 1.2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ ông Dũng giải quyết việc cấp phép chuyến bay và được ông Dũng đồng ý. Trong quá trình thực hiện, Tô Anh Dũng đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.
23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỉ đồng.
Tại CQĐT và tại tòa, các bị cáo là người điều hành doanh nghiệp đều xác nhận nếu không đưa tiền sẽ không được tạo điều kiện như vậy.
Ngày 25.12 tới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của 21 bị cáo. Trong đó, Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) kháng cáo kêu oan. Các bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế)… kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2)
Ở giai đoạn 2 (dài 74km) của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TAND TP.Hà Nội xét xử đối với 22 bị cáo. Trong đó, Trần Văn Tám (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty VEC) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về cả hai tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Phó tổng giám đốc VEC) nhận mức án 4 năm tù, Lê Quang Hào (cựu Phó tổng giám đốc VEC) lĩnh 2 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 6 năm tù theo đúng tội danh như đã truy tố.
Theo nội dung vụ án, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km.
Trong đó, giai đoạn 1 dài 65km từ TP.Đà Nẵng tới TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), thông xe tháng 8.2017, gồm 8 gói thầu. Giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến TP.Quảng Ngãi, thông xe tháng 9.2018, gồm 5 gói thầu.
Nhưng khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông. Các vi phạm tại giai đoạn 1 dài 65km đã được xử lý với 36 bị cáo.
Các bị cáo là lãnh đạo thuộc chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã có nhiều sai phạm dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng.
Tại tòa, bị cáo Trần Văn Tám khai nhận sau khi đưa công trình vào khai thác đã có một số đoạn hư hỏng trên mặt đường. Ông Tám cho rằng nguyên nhân do một số loại nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng.
Trong vụ án này, Trần Văn Tám đã ký văn bản nghiệm thu gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước nêu rõ “công trình đã hoàn thành và đảm bảo chất lượng”, trong khi Hội đồng nghiệm thu cơ sở chưa họp đánh giá công trình.
Kết luận giám định của Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nêu những hư hại của công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, gồm nền đường lẫn nhiều đá không được loại bỏ, vật liệu thi công không phù hợp chất lượng, kích cỡ, đá dăm gia cố lớp xi măng bị nứt dọc, nứt ngang…
Vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC
Liên quan đến vụ án này, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xét xử vắng mặt 4 bị cáo, trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC). Bà Nhàn cũng bị xác định giữ vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Theo nội dung vụ án, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, tổng vốn đầu tư 238 tỉ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn và chia thành 6 gói thầu mua sắm trực tiếp.
Công ty AIC tham gia dự thầu và trúng toàn bộ 6 gói thầu, trong đó Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu; Công ty Mopha là công ty trong hệ sinh thái của AIC đứng tên trúng 2 gói thầu.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Anh Dũng (Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng) khai rằng ông được em gái là Nguyễn Thị Thanh Nhàn “dựng” lên làm Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng. Mọi giấy tờ, tài liệu liên quan đều được ban thư ký của Công ty AIC đưa lên cho ông Dũng ký. Ông Dũng cũng cho biết bản thân không biết nội dung của những tài liệu này.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Anh Dũng, khi ông giữ chức Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng, công ty không kinh doanh gì; mọi hoạt động của công ty đều do bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương (Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC, kiêm kế toán trưởng Công ty Phúc Hưng) điều hành.
Trong vụ án này, cựu Chủ tịch AIC bị tuyên phạt mức án 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Gần đây nhất, TAND tỉnh Quảng Ninh nhận được kháng cáo của 4 bị cáo. Trong đó Nguyễn Thị Thu Phương (trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC) kháng cáo kêu oan, cho rằng bản thân không phạm tội như bị truy tố.
Bị cáo Nguyễn Anh Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng) kháng cáo xin giảm nhẹ mức án 36 tháng tù. Bị cáo Cao Việt Bách (Tổng giám đốc Công ty BVA), Tạ Hải Anh (Trưởng ban xuất khẩu lao động Công ty AIC, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ cao) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.