Nạn nhân bạo lực học đường tại Seoul ở mức cao
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 23:07, 16/12/2023
Nạn nhân bạo lực học đường tại Seoul ở mức cao
Khảo sát gần đây do Phòng Giáo dục đô thị Seoul (SMOE) thực hiện cho kết quả tỉ lệ học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường ở mức cao nhất trong 10 năm qua.
Cụ thể trong 486.729 học sinh từ lớp 4 đến năm cuối trung học phổ thông trả lời khảo sát, có 2.2% đã phải chịu một số hình thức ngược đãi tại trường – tăng 2% so với năm ngoái.
Tỷ lệ nạn nhân của bạo lực học đường ở tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là 4,6% – không đổi so với năm 2022 ; 1,6% – tăng 0,7% và 0,4% – tăng 0,1%.
Luật pháp Hàn Quốc định nghĩa bạo lực học đường là hành vi gây hại cho học sinh ở trong lẫn ngoài trường học, bao gồm nhưng không giới hạn ở gây tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, làm hư hỏng tài sản, đe dọa, bạo lực tình dục, phỉ báng, tống tiền, ép buộc, bắt nạt trực tuyến hoặc trực tiếp.
Theo SMOE, nguyên nhân làm gia tăng bạo lực học đường là do học sinh có ít cơ hội tương tác với bạn bè lúc đại dịch COVID-19 hoành hành nên khi quay lại học tại trường các em gặp khó khăn trong giải quyết xung đột.
Hình thức bạo lực học đường phổ biến nhất là xúc phạm bằng lời nói với 37,7%; xếp sau là gây tổn thương về thể chất và bắt nạt nhóm – lần lượt là 18,1% và 15,3%.
Khoảng 68,8% bạo lực xảy ra trong trường và 29,4% xảy ra trong lớp.
Hầu hết thủ phạm là bạn cùng lớp (46,1%); 32,7% là người cùng cấp nhưng khác lớp và 6,8% là người khác cấp với nạn nhân.
93% nạn nhân tố cáo hành vi bạo lực cho người khác: 37,9% báo cho người giám hộ hợp pháp hoặc người thân, 29,5% báo giáo viên và 15,5% kể cho bạn bè. Chỉ có 1,5% nạn nhân trình báo với cảnh sát.
Giống như các cuộc khảo sát trước đây, học sinh ít thừa nhận bản thân từng bắt nạt người khác, chỉ có 0,9% cho biết mình là thủ phạm bạo lực học đường.
Tỷ lệ học sinh chứng kiến bạo lực học đường cũng gia tăng: từ 4,5% năm ngoái lên 5,5%. Khoảng 30% nói rằng bản thân bất lực chẳng thể làm gì, 35% đã giúp đỡ nạn nhân bằng cách an ủi hoặc hình thức khác, 17,6% báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng.
Bạo lực học đường chẳng phải là vấn đề riêng của quốc gia nào, nhưng vấn đề này lại dai dẳng và đặc biệt nghiêm trọng tại Hàn Quốc bất chấp nhiều nỗ lực xử lý.
Năm nay khi bộ phim The Glory nói về kế hoạch trả thù tỉ mỉ của một phụ nữ sau nhiều năm chịu bạo lực học đường thời trung học gây tiếng vang lớn, tại Hàn Quốc bùng lên làn sóng “Hakpok” – nạn nhân lên tiếng tố cáo kẻ bắt nạt mình thời còn đi học. Làn sóng lan rộng từ chính giới sang giới giải trí cùng giới thể thao.