Giới khoa học Nhật lo ngại năng lực nghiên cứu suy yếu
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:15, 19/12/2023
Giới khoa học Nhật lo ngại năng lực nghiên cứu suy yếu
Đài Channel News Asia cho biết dù Nhật Bản sở hữu đến 15 giải Nobel, nhưng giới khoa học nước này lại lo ngại năng lực nghiên cứu của đất nước ngày một suy yếu.
Năm 2001, Nhật đặt mục tiêu giành được 30 giải Nobel trong 50 năm. Thời điểm đó họ bị chỉ trích là quá kiêu ngạo, nhiều người trong và ngoài nước xem đây là điều mơ tưởng.
Nhưng dường như đất nước mặt trời mọc đang sắp đạt được mục tiêu đầy tham vọng đó. Từ năm 2000 đến nay Nhật giành 15 giải Nobel - nhiều nhất tại châu Á và nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ.
Điều kỳ lạ là một số người đạt giải có mối liên hệ với Đại học Nagoya ít danh tiếng. Từ năm 2000 đến nay, 6 giáo sư và cựu sinh viên trường này đã trở thành chủ nhân của giải thưởng danh giá.
Trong nhiều năm, Đại học Nagoya chẳng thể nào sánh với loạt trường hàng đầu như Đại học Tokyo hay Kyoto. Thế nhưng đến thế kỷ 21, danh tiếng của cơ sở giáo dục này tăng mạnh nhờ loạt giải Nobel đầy ấn tượng. Thành phố Nagoya - nơi đại học cùng tên tọa lạc - không chỉ muốn thu hút doanh nghiệp đến đặt trụ sở mà còn muốn làm “vườn ươm” nhân tài công nghệ lớn nhất nước.
Điều kiện thuận lợi tại Đại học Nagoya
Hiệu trưởng Đại học Nagoya Naoshi Sugiyama cho biết chính điều kiện thuận lợi tại trường truyền cảm hứng cho thế hệ nhân tài có thể đạt giải Nobel trong tương lai. “Chúng tôi có môi trường tự do thảo luận. Xã hội Nhật được biết đến là hệ thống phân cấp, giáo sư giống như người vĩ đại còn sinh viên chỉ như nô lệ. Nhưng hệ thống này không tồn tại ở đây”, ông nói.
Sugiyama - một nhà vật lý được kính trọng - bắt đầu giữ chức hiệu trưởng từ tháng 4.2022. Ông xác định sứ mệnh của mình là biến Đại học Nagoya thành học viện quy tụ những bộ óc giỏi nhất thế giới, cho ra nhiều nghiên cứu đạt giải Nobel hơn nữa.
“Chúng tôi muốn có sinh viên tốt nghiệp tốt nhất, giảng viên giỏi nhất, giáo sư giỏi nhất. Vì vậy trường phải chuyển sang dạy và học bằng tiếng Anh để thu hút giáo sư hàng đầu từ Mỹ hoặc Singapore. Mức lương cũng cần tăng gấp đôi”, hiệu trưởng Sugiyama nói với Channel News Asia. Loạt cải cách nhằm giúp trường tăng sức cạnh tranh đã được triển khai.
Một trong số nhân vật nổi tiếng nhất của Đại học Nagoya là giáo sư Hiroshi Amano - chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2014 vì phát minh ra điốt phát sáng (LED) đem lại nguồn sáng trắng tiết kiệm năng lượng. Ngày nay sản phẩm LED vô cùng phổ biến và hiệu quả hơn đèn sợi đốt đến 90%. Ông không dừng lại mà đang hợp tác với một số đơn vị tư nhân phát triển thiết bị bán dẫn thế hệ mới.
Bên cạnh công tác nghiên cứu, giáo sư Amano cũng rất chú trọng đào tạo thế hệ nhà phát minh kế cận. Ba nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông đang phát triển nguyên mẫu kính bảo hộ an toàn dùng cho giới nghiên cứu (đã đạt vài giải thưởng).
Lo ngại năng lực suy yếu
Bất chấp thế hệ kế cận đầy hứa hẹn và nhà nước dành hẳn một quỹ riêng trị giá 10 nghìn tỉ yên hỗ trợ, vẫn có lo ngại năng lực nghiên cứu của đất nước ngày một suy yếu.
Giáo sư luật Masanori Okada (Đại học Waseda) nhận định sự can thiệp của nhà nước là một phần nguyên nhân: “Giới học thuật phải tuân theo chính sách từ chính phủ. Và chính phủ muốn có kết quả sau 2 - 3 năm, đặc biệt là với nghiên cứu liên quan đến quân sự và công nghiệp. Nhưng nghiên cứu đủ sức đạt giải Nobel chỉ có được thành tựu với môi trường phù hợp. Thời gian 2 - 3 năm chẳng thể nào mang lại thành tựu như vậy”.
Ông Okada là một trong 6 học giả bị cựu Thủ tướng Yoshihide Suga từ chối bổ nhiệm vào Hội đồng Khoa học Nhật - tổ chức học thuật uy tín nhất nước, có nhiệm vụ đưa ra đề xuất về khoa học cho chính phủ. Giới truyền thông lúc đó chỉ ra tất cả 6 học giả đều từng chỉ trích chính phủ.
Nhà vật lý Takaaki Kajita (chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2015) cũng lo ngại chất lượng nghiên cứu giảm sút: “Nhiều giải Nobel của Nhật đều dựa trên nghiên cứu trước năm 2000. Trước năm 2000 Nhật đứng thứ hai thế giới về số lượng bài báo khoa học. Nhưng giờ đây số lượng bài báo đang giảm dần, đặt biệt bài chất lượng nằm trong số 10 bài tốt nhất giảm nhanh. Vì vậy tôi không thấy lạc quan về tương lai”.
Theo khảo sát do Bộ Giáo dục Nhật thực hiện năm ngoái, số lượng sinh viên theo học chương trình sau đại học đang giảm và kinh phí cho nghiên cứu bị đình trệ.
“Người trẻ tuổi hứng thú với khoa học nên nhiều sinh viên đại học vẫn chọn học vật lý. Tuy nhiên họ lại thấy chương trình sau đại học không hấp dẫn họ. Như vậy không ít sinh viên tài năng không học thạc sĩ hay tiến sĩ. Đây là vấn đề nghiêm trọng với đất nước”, nhà vật lý Kajita cho biết.