Doanh nghiệp tự tin với nguồn hàng hóa dịp Tết Giáp Thìn 2024

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 08:16, 20/12/2023

Gần Tết Nguyên đán là thời điểm sôi động với "làn sóng" tiêu dùng lớn nhất trong năm. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu.
Thị trường và chính sách

Doanh nghiệp tự tin với nguồn hàng hóa dịp Tết Giáp Thìn 2024

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung 20/12/2023 08:16

Gần Tết Nguyên đán là thời điểm sôi động với "làn sóng" tiêu dùng lớn nhất trong năm. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị sản xuất hàng tết. Ngoài tăng lượng hàng dự trữ, các doanh nghiệp cũng mạnh tay đầu tư dây chuyền sản xuất, tăng sản lượng phục vụ mùa tết. Cùng với các doanh nghiệp sản xuất, các nhà bán lẻ cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm gia tăng vào cuối năm.

117875704_2713217505626736_1702186005186651892_n.jpg
Các mặt hàng tươi sống luôn được hệ thống siêu thị đảm bảo đầy đủ từ nay đến Tết Nguyên đán

Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng này các hệ thống phân phối đều đang triển khai xây dựng chương trình phân phối thực phẩm cũng như hàng hóa thiết yếu trong dịp tết. Các doanh nghiệp rất tự tin về nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chắc chắn giá cả sẽ không biến động nhiều.

Đại diện MM Mega Market (Việt Nam) cho biết, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đơn vị sẽ tăng 20 - 30% tổng lượng dự trữ hàng hóa cho Tết, liên tục làm việc với nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị cũng sẽ triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm từ 10 - 30% kéo dài xuyên suốt cuối năm dương lịch đến Tết âm lịch nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.

Ngay từ đầu tháng 10.2023, MM Mega Market (Việt Nam) đã phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp trong nước chuẩn bị cung ứng hàng hóa cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Cụ thể, công ty phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm bình ổn giá cho hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu.

anh-dai-dien.png

"Danh mục hàng bình ổn giá tại MM Mega Market có hơn 1.000 sản phẩm thiết yếu từ bánh tươi, thực phẩm chế biến, nước giải khát, vật dụng gia đình, bánh - kẹo - ngũ cốc, thực phẩm, nhu yếu phẩm... Đây là chương trình kết hợp cùng các nhà cung cấp lớn trong nước thực hiện nhằm vượt qua lạm phát, bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm thông minh trước làn sóng tiêu dùng cuối năm. Điều này giúp cho người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm các sản phẩm chất lượng với giá thành cố định trước những biến động thị trường", đại diện MM cho hay.

Điểm mới trong chiến lược mua sắm cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán 2024 của hệ thống siêu thị là giới thiệu hàng tết cho hơn 30.000 khách hàng trọng điểm thuộc nhóm B2B chuyên nghiệp (bao gồm doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căng tin) qua Ngày hội khách hàng chuyên nghiệp (Customer Fair 2023).

Tập đoàn Central Retail (gồm GO!, Big C, Tops Market) đã gần như hoàn tất các kế hoạch về lượng hàng cho tết và đã thống nhất với các nhà cung cấp lớn, các kế hoạch mở rộng lượng hàng dự trữ cũng như hậu cần cũng đã được tính đến, tiếp đó là việc bảo đảm giá cả ổn định cùng các chương trình khuyến mãi mạnh, giảm sâu cho dịp tết.

Chuỗi bán lẻ của tập đoàn sẽ áp dụng khuyến mãi liên tục và chia thành 3 giai đoạn trọng điểm, bắt đầu từ cuối tháng 12.2023. Đây sẽ là các chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm, bao quát toàn bộ các mặt hàng từ thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống cho đến hàng gia dụng, thời trang... Tuy nhiên, hệ thống siêu thị sẽ chú trọng hơn vào các mặt hàng thiết yếu và hàng tết, giỏ quà tết với các mức giảm giá chiết khấu sâu, và nhiều hình thức khuyến mãi đa dạng.

Để đảm bảo nhu cầu cho người dân thủ đô, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy-hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, rượu bia-nước giải khát… trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Tổng công ty Hapro còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, các mặt hàng khác như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm... Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, tổng trị giá nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỉ đồng, tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn tiền mua hàng ưu tiên cho trữ các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy-hải sản..., còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết.

Để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, Saigon Co.op sẽ đảm bảo phương án vận chuyển thông suốt, kịp thời thông qua hệ thống trung tâm phân phối, kho vệ tinh được đặt tại các miền đất nước và các hợp đồng hợp tác chiến lược cùng các đối tác vận tải.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn 2024. Theo đó, đối với việc cung ứng hàng hóa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp thường cung ứng những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phải bảo đảm được nguồn cung. Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo đảm giá cả được bình ổn.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung