Thấy gì từ bệ phóng giải U.19 quốc gia đến tầm nhìn Troussier?

Thể thao - Ngày đăng : 12:25, 20/12/2023

Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành giải vô địch U.19 quốc gia từ năm 1995 đến nay, vòng loại giải phải chia thành 7 bảng đấu khi có đến 35 đội đăng ký tranh tài.
Thể thao

Thấy gì từ bệ phóng giải U.19 quốc gia đến tầm nhìn Troussier?

Đặng hoàng 20/12/2023 12:25

Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành giải vô địch U.19 quốc gia từ năm 1995 đến nay, vòng loại giải phải chia thành 7 bảng đấu khi có đến 35 đội đăng ký tranh tài.

Đây cũng là lần đầu tiên có đến 21/25 đội thi đấu trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cử đội tham gia (ngoại trừ Hải Phòng ở V-Legue và Phù Đổng, Phú Thọ, Hòa Bình ở Hạng nhất không có đội dự tranh). Ngoài ra, còn có nhiều đội U.19 của các CLB đang thi đấu ở hai giải Hạng nhì và Hạng ba. Thậm chí có một số địa phương không có đội thi đấu ở các giải thuộc hệ thống thi đấu vô địch quốc gia Việt Nam vẫn đăng ký đội U.19 thi đấu như Quảng Ngãi, Luxury Hạ Long, Trung tâm TDTT Đào Hà.

Hiệu ứng domino mang tên Troussier

Khi chính thức nhận lãnh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam vào cuối tháng 2.2023, ngay lập tức ông Philippe Troussier đã đưa ra “Dự án 100”. Một dự án với tầm nhìn chiến lược định hướng cho tương lai hướng về World Cup 2026 và cho cả những World Cup sau đó: 2030, 2034…

Ban đầu, có không ít nghi ngờ khi ông Troussier triệu tập hầu hết những tài năng trẻ, kể cả những người vô danh, thậm chí đó là những cầu thủ đang thi đấu ở giải hạng dưới hay thường xuyên ngồi trên băng ghế dự bị giải V-League. Bất chấp mọi nhận xét nhuốm màu, ông Troussier vẫn kiên định với ý tưởng ưu tiên thử nghiệm, rèn luyện, trao cơ hội cho các cầu thủ U.20, U.23 thi đấu trong màu áo các đội từ U.23 cho đến tuyển quốc gia ở các giải từ giao hữu đến chính thức; từ khu vực Đông Nam Á cho đến châu lục và vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Tất cả không ngoài mục đích BĐVN sớm có thế hệ kế thừa.

Tám tháng trung thành với cuộc cách mạng cho BĐVN và được sự ủng hộ tuyệt đối của VFF, “Dự án 100” cùng thay đổi triết lý lối chơi từ phòng ngự phản công qua kiểm soát bóng của Troussier đã có tín hiệu tích cực.

Rõ nhất là các cầu thủ vô danh được gọi lên các cấp đội tuyển, khi trở về CLB, tất cả đều nỗ lực tập luyện tối đa để khẳng định mình. Ở phía ngược lại, ban huấn luyện các đội cũng dần thay đổi quan điểm để rồi tin dùng các cầu thủ trẻ nhiền hơn. Và mùa giải V-League, Hạng nhất 2023-2024, nhiều cầu thủ trẻ không chỉ được ra sân thi đấu nhiều hơn mà sự đóng góp của những nhân tố mới này cũng nhiều hơn.

Nổi bật trong số này là những tên tuổi mới như Nguyễn Thái Sơn, Võ Nguyên Hoàng (Thanh Hóa); Nguyễn Đình Bắc (Quảng Nam); Võ Minh Trọng, Võ Hoàng Minh Khoa (Bình Dương); Trương Tiến Anh (Thể Công Viettel); Lê Nguyên Hoàng, Cao Văn Bình, Đinh Xuân Tiến (SLNA); Giáp Tuấn Dương, Hoàng Văn Toản (CAHN); Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Trường, Vũ Tiến Long (Hà Nội); Nguyễn Thanh Nhàn, Thái Bá Đạt, Nguyễn Bảo Long (PVF-CAND); Nguyễn Hồng Phúc, Nguyễn Duy Dũng (Hòa Bình); Bùi Huy Hoàng (Phú Thọ)…

Bóng đá Việt Nam thời hậu Thường Châu 2018

BĐVN đã được nâng tầm kể từ sau chiến tích bất ngờ mà ngoạn mục với vị trí á quân giải U.23 châu Á 2018 tổ chức ở Thường Châu (Trung Quốc).

Với những chiếc Huy chương vàng SEA Games 2019, 2021; vô địch Đông Nam Á 2018; hạng tư Á vận hội 2018, tứ kết Asian Cup 2019, vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 – thành tích tốt nhất lịch sử BĐVN, có thể nói thế hệ của Thường Châu 2018 đã nâng cao vị thế của BĐVN.

Nhưng, sau thời đỉnh cao là quy luật đi xuống. Rõ nhất là tiền vệ trung tâm Đỗ Hùng Dũng, linh hồn của các cấp đội tuyển Việt Nam. Đáng tiếc sau pha chấn thương rất nặng năm 2021, Hùng Dũng tuy đã hồi phục và thi đấu trở lại, nhưng chưa thể lấy lại được phong độ, thậm chí đã có dấu hiệu đi xuống.

Hùng Dũng được HLV Trousser đặt nhiều kỳ vọng khi Dũng được trao băng đội trưởng và có mặt trong cả 4 trận giao hữu ở tháng 9 và tháng 10. Hùng Dũng đá chính 4 trận liên tiếp cho đội tuyển Việt Nam trước Palestine, Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc. Nhưng giống như Nguyễn Hoàng Đức, Dũng đã ngồi dự bị suốt cả 2 trận đấu ở vòng loại World Cup 2026 trước Philippines và Iraq hồi tháng 11 vừa qua.

Nhìn lại những Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Tiến Linh được sử dụng, nhưng chưa có ai chắc suất chính thức. Vị trí thủ môn của Đặng Văn Lâm đang bị Filip Nguyễn đe dọa. Quế Ngọc Hải không còn vị thế bất khả xâm phạm khi Bùi Hoàng Việt Anh, Tuấn Tài hay Thanh Bình sẵn sàng thay thế.

Những tên tuổi từng nâng tầm vị thế của BĐVN trên bình diện khu vực Đông Nam Á và châu Á đang dần lùi lại phía sau.

***

Đội tuyển BĐVN đã có sức sống mới dưới thời HLV Troussier giống như Hà Nội FC của thời HLV Đinh Thế Nam, đó là một Hà Nội không còn hoàn toàn phụ thuộc vào các cựu binh như Văn Quyết, Hùng Dũng, Duy Mạnh, Tấn Trường, Thành Chung, Văn Xuân, Thái Quý… thay vào đó là những cầu thủ trẻ Nguyễn Văn Trường (20 tuổi); Vũ Tiến Long (21 tuổi); Nguyễn Văn Tùng (22 tuổi), Nguyễn Hai Long, Vũ Đình Hai (23 tuổi)… đặc biệt là thủ môn thứ 3 sau Tấn Trường và Quan Văn Chuẩn là Nguyễn Văn Hoàng.

Có một chi tiết không thể không nhắc đến đó là hai HLV Troussier và Thế Nam từng có thời gian làm chung với nhau ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, và cả hai luôn có ý tưởng đào tạo nguồn lực trẻ.

Nếu như HLV Đinh Thế Nam đã dần thực hiện cuộc chuyển đổi để Hà Nội thời hậu Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh… lên tiếng; thì HLV Troussier cũng đã dần chuyển đổi để đội tuyển BĐVN thời hậu Thường Châu 2018…lên tiếng!

BĐVN đã và đang cảm nhận sức mạnh của bóng đá trẻ, nền tảng cơ bản, sức mạnh gốc của một nền bóng đá.

Và đó là lý do Giải vô địch U.19 quốc gia Việt Nam do Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên cùng VFF tổ chức đã ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng.

Đặng hoàng